Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhà đầu tư thấp thỏm “hóng” biến lãi suất
Hà Tâm - 29/05/2024 09:19
Khả năng chính sách tiền tệ - đặc biệt là lãi suất - có thể xoay chiều là mối bận tâm lớn nhất của nhà đầu tư hiện nay. Dù việc đảo chiều chính sách tiền tệ chưa diễn ra, song tâm lý thấp thỏm đang bao trùm thị trường.
Mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp lịch sử, dù đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất từ đầu năm đến nay.

Khoảng lặng trước cơn bão?

Việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam tới đây sẽ gặp nhiều khó khăn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chần chừ giảm lãi suất, tỷ giá trong nước vọt tăng, lạm phát ngày càng nóng…

Trong báo cáo mới đây, FiinGroup cho rằng, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tiếp tục giữ chính sách tiền tệ mở rộng, duy trì lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. Dù vậy, nguy cơ bất ổn vẫn còn khi chính sách tiền tệ có thể thay đổi trong nửa cuối năm 2024.

Trong tuyên bố phát đi cuối tuần qua, NHNN khẳng định sẽ không thay đổi chính sách điều hành tỷ giá. Từ đầu năm đến nay, NHNN cũng kiên định chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán BSC cho rằng, việc Fed chậm giảm lãi suất hơn dự kiến, VND mất giá mạnh và rủi ro khó đoán từ các cuộc xung đột địa chính trị (có thể dẫn đến rủi ro lạm phát chi phí đẩy) sẽ gây áp lực hơn cho việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Việt Nam.

Trong bối cảnh trên, điều nhà đầu tư quan tâm hiện nay là để giữ ổn định tỷ giá, NHNN liệu có quay đầu đảo chiều lãi suất?

Theo công cụ Fedwatch, thị trường đã lùi dự báo thời điểm Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng từ tháng 3/2024 xuống tận tháng 11/2024. Hiện tại, theo Fedwatch, thị trường dự báo xác suất 50,2% Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong phiên họp chính sách tháng 9. Sang tháng 11/2024, khả năng Fed giảm lãi suất là 46,2% và khả năng giữ nguyên lãi suất là 38%. Các con số này cho thấy, các dự đoán đều không đáng tin cậy, bởi Fed đang phải đối mặt với nhiều yếu tố tương lai bất định.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, khả năng giữ nguyên mặt bằng lãi suất điều hành hiện nay phụ thuộc vào sức chống đỡ của tỷ giá. Trong vòng hơn 1 tháng qua, NHNN đã tiến hành loạt giải pháp để ghìm cơn sốt tỷ giá, bao gồm cả biện pháp hút tiền về, tăng nhẹ 0,5% lãi suất trên thị trường mở (OMO) và mạnh tay bán ngoại tệ dự trữ can thiệp thị trường.

Mặc dù đà tăng của tỷ giá đang chững lại, song giá USD trên thị trường vẫn đang ở vùng đỉnh. BSC cho rằng, chỉ khi Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tỷ giá mới có thể hạ nhiệt rõ rệt. Như vậy, nhiều khả năng, từ nay đến cuối năm, tỷ giá vẫn sẽ neo ở vùng giá cao, nếu Fed không giảm lãi suất.

Như vậy, khả năng trong 3 tháng tới là thời điểm “khoảng lặng trước cơn bão”, nhà đầu tư phải thật thận trọng trong việc ra quyết định đầu tư, bởi thị trường sẽ rất khó đoán, nhiều yếu tố bất định, khả năng tăng lãi suất điều hành của NHNN vẫn khó dự đoán.  

Biến số lãi suất tác động đến toàn bộ thị trường tài sản

Thị trường tài chính vô cùng nhạy cảm với lãi suất, đặc biệt là các loại lãi suất điều hành. Từ đầu năm đến nay, ngoại trừ lãi suất OMO tăng nhẹ, hầu hết lãi suất điều hành vẫn được giữ nguyên. Trong khi đó, trên thị trường dân cư, từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Dù vậy, mặt bằng lãi suất huy động vẫn ở mức thấp lịch sử và không còn thực dương đáng kể so với lạm phát.

Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất hiện nay vẫn ủng hộ cho thị trường tài sản. Dù vậy, nhà đầu tư phải theo dõi thật chặt diễn biến của nhà điều hành, chỉ cần lãi suất quay đầu, thị trường tài sản lập tức chịu ảnh hưởng lớn.

“Đối với nhà đầu tư, yếu tố quan trọng hàng đầu phải để ý là lãi suất. Đây là yếu tố tác động mạnh mẽ đến toàn bộ thị trường tài sản vì có liên quan chặt chẽ đến giá vốn, tỷ giá hối đoái… Diễn biến của thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán… tưởng như độc lập, rời rạc nhau, nhưng thực tế đều liên hệ với nhau rất mật thiết, dựa trên các chỉ tiêu vĩ mô chung, trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là lãi suất”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng cho hay, các quỹ đầu tư thường nhìn vào lãi suất khi đưa ra quyết định về danh mục đầu tư. Thông thường, khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp, nhà đầu tư thường hướng tới tài sản rủi ro nhiều hơn và ngược lại. 

Mặc dù lãi suất là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định đầu tư, song đây không phải là yếu tố duy nhất. Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô có nhiều biến số khó lường, không phải nhà đầu tư nào cũng có thể chuyển hóa các kiến thức kinh tế vĩ mô thành quyết định đầu tư hiệu quả.

Để có danh mục đầu tư sinh lời tốt nhất, nhà đầu tư không chuyên vẫn nên tìm đến các cố vấn tài chính - những người am hiểu và bám sát diễn biến thị trường cũng như am hiểu khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Việc hình thành thị trường quản lý tài sản cũng sẽ kích thích dòng tiền chảy vào thị trường tài chính nhiều hơn, biến thị trường vốn trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

Ứng biến trong vạn biến

Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024/Vietnam Wealth Advisor Summit (VWAS) 2024 - diễn đàn duy nhất do Báo Đầu tư và Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức sẽ diễn ra vào thứ Năm, ngày 6/6/2024, tại Khách sạn Pullman, Hà Nội.

VWAS 2024 có chủ đề “Ứng biến trong vạn biến/Adapting to Uncertainties”, với sự tham gia của nhiều diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; về các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Tin liên quan
Tin khác