Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF cuối kỳ 2015 đang được diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: Đức Thanh |
Đã từng nhiều lần lên tiếng về những bất cập liên quan đến Thông tư 20/2014/TT-BKHCN về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, nhưng ngay cả khi Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành Thông tư 23/2015/TT-BKHCN thay thế Thông tư 22, song ông Fred Burke, Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), vẫn cho rằng còn rất nhiều điều cần phải sửa đổi.
Cụ thể, theo Thông tư 23, thiết bị đã qua sử dụng sẽ được nhập khẩu nếu tuổi của thiết bị đã qua sử dụng dưới 10 năm, và thiết bị đó được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc phù hợp với Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, sau khi Thông tư 20 đã bị hoãn thi hành vì vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã theo dõi quá trình soạn thảo Thông tư 23 và chúng tôi đánh giá cao việc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cân nhắc ý kiến đóng góp của các bên liên quan trong suốt quá trình soạn thảo, nhưng vẫn còn những vấn đề liên quan đến nội dung của thông tư này”, ông Fred Burke nói.
Cụ thể, sau khi sửa đổi, phạm vi áp dụng còn được mở rộng hơn. “Các phiên bản trước đây của dự thảo Thông tư 23 chỉ quy định các hàng hóa có mã số HS 4 con số thuộc Chương 84 và Chương 85 của Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư 23 hiện quy định tất cả các hàng hóa được liệt kê tại Chương 84 và Chương 85. Quy định này là một bước lùi, vì nhiều loại thiết bị đã qua sử dụng không nằm trong phạm vi của phiên bản số 7 của dự thảo Thông tư 23 nhưng nay lại bị điều chỉnh theo Thông tư 23”, ông Burker thay mặt cộng đồng nhà đầu tư và doanh nghiệp lên tiếng như vậy.
Điều đáng quan tâm, Thông tư 23 cũng đã loại bỏ tiêu chí “giá trị còn lại 80%”. Thay vào đó, tất cả các thiết bị đã qua sử dụng muốn được nhập khẩu thì phải đáp ứng cả hai tiêu chí kể trên.
“Cũng như phiên bản dự thảo gần đây nhất, Thông tư 23 bổ sung quy định rằng thiết bị đã qua sử dụng được nhập khẩu phải đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tiêu chuẩn kỹ thuật có liên quan hoặc hoặc tiêu chuẩn tương đương của G7. Mặc dù thay đổi này đã bỏ đi yêu cầu kiểm tra chất lượng phiền hà, nhưng nó có thể có tác dụng không mong muốn là cấm nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng có tuổi thiết bị không quá 10 năm nhưng không đáp ứng được các tiêu chuẩn nêu trên”, ông Burke nói.
Thậm chí theo ông này, để đáp lại những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, Thông tư 23 giờ đây đưa ra một quy định miễn trừ cho thiết bị đã qua sử dụng được quy định khác (trên 10 năm tuổi hoặc không đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) - nếu thiết bị đã qua sử dụng đã được liệt kê trong hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phê duyệt. Và điều này cũng được cho sẽ gây khó cho việc nhập khẩu các thiết bị này.
“Do câu chữ trong Thông tư 23 có thể hiểu theo nghĩa thiết bị đã qua sử dụng được liệt kê trong các hồ sơ dự án FDI đã được phê duyệt không cần phải tuân thủ theo các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, điều này có thể tạo ra mâu thuẫn với các quy định chất lượng hàng hóa”, ông Burke nói.
Theo ông Burke, các quy định tại thông tư liên quan đến hạn chế nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ phía những nhà sản xuất, đặc biệt những nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghệ cao muốn đến Việt Nam cùng với trang thiết bị, máy móc mặc dù đã qua sử dụng nhưng vẫn hiệu quả, và họ vẫn đang sử dụng tại những quốc gia khác.
“Các bên liên quan có đưa ra ý kiến tham vấn rằng thậm chí ngay cả những sản phẩm hiện đại nhất đôi khi bao gồm cả các trang thiết bị, máy móc đã qua sử dụng. Ví dụ, việc lắp đặt dây chuyền lắp ráp và kiểm định chip máy vi tính đòi hỏi phải nhập khẩu cần trục được thiết kế đặc biệt và phục vụ cho mục đích cụ thể mà được sử dụng gần nhất tại Malaysia, nhưng xét về mặt câu chữ của quy định trong Thông tư thì thiết bị đó bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam”, ông Burke nói.
Thẳng thắn bày tỏ sự quan ngại trước các quy định về hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc đã qua sử dụng, ông Burke cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng - các chuỗi cung ứng đang di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong khắp khu vực và nhờ vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, và các hiệp định thương mại quan trọng khác.
Theo đó, nhiều tập đoàn quốc tế trong lĩnh vực sản xuất đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động kinh doanh đến Việt Nam, với tiềm năng tạo ra hàng triệu việc làm, tiền thuế và chuyển giao công nghệ.
“Tuy nhiên, nếu chúng ta không điều chỉnh môi trường quản lý trong nước ở lĩnh vực này và các lĩnh vực khác, chúng ta sẽ gánh chịu rủi ro đánh mất cơ hội mang tính lịch sử này”, ông Burke nhấn mạnh.