Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Nữ khách hàng này cho biết, gia đình bà chủ yếu di chuyển bằng xe hơi, vì muốn được quyền chọn vị trí đẹp, cố định cho xế hộp trị giá tiền tỷ chứ không muốn đậu random (ngẫu nhiên) nên bà không tiếc tiền đầu tư thêm tiện ích đi kèm này. Nơi đỗ ôtô là tài sản được thể hiện trong hợp đồng mua bán và chủ nhà có quyền bán hoặc cho thuê.
Nếu so với căn hộ bà Phú đang sở hữu, giá của nơi đỗ ôtô chiếm hơn 10% giá trị căn nhà và lên đến cả trăm triệu mỗi m2. Đắt đỏ là thế, nhưng khách hàng vẫn cho rằng đáng tiền, thậm chí làm tăng thêm giá trị bất động sản, khẳng định đẳng cấp của chủ căn hộ.
Bà Phú cho hay, vì từng ở nhà phố hơn chục năm nên bà hiểu nơi đỗ ôtô riêng giá trị như thế nào. Ở chung cư, nơi đỗ ôtô không thể đáp ứng hết mọi nhu cầu, người đến trước gửi trong hầm, không bị "nắng táp mưa sa". Kẻ đến sau đành phải gửi xe ngoài trời, thậm chí hết chỗ phải đi thuê mặt bằng gần đó để gửi. Do đó, mua chỗ đậu xe hơi kèm theo căn hộ là mua sự thoải mái, thuận tiện xứng đáng. “Điều đó cũng giống với việc dù ôtô mình có trong gara hay không thì không ai được động chạm đến khuôn viên đó”, bà Phú nói.
Tại khu chung cư của bà Phú vừa dọn về, thậm chí có trường hợp khách V.I.P mua 2 căn hộ liền kề, đang hoàn thiện nội thất để thông thành một căn to. Chủ nhà này cũng chi một tỷ đồng mua đúp 2 nơi đỗ ôtô, khiến tổng chi phí cho nhà và nơi đỗ xe lên đến cả chục tỷ đồng.
Giữa tháng 8/2017, sàn giao dịch bất động sản Cosmo City vừa tung ra một dự án căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Thị Thập, quận 7 do doanh nghiệp Đài Loan làm chủ đầu tư. Dự án này chào bán căn hộ đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đặc biệt trong bảng giá chi tiết căn hộ có chào bán cả chỗ đậu xe ôtô với giá gần 300 triệu đồng một suất. “Chúng tôi đang chào bán nơi đỗ ôtô giá 'mềm' nhất thị trường TP HCM hiện nay”, một nhân viên môi giới tiết lộ.
Trước đó, tại Hà Nội, chung cư Golden Westlake (Hoàng Hoa Thám), vào thời điểm mới bàn giao căn hộ năm 2010, chủ đầu tư từng đưa ra mức giá bán chỗ đỗ xe dao động từ 751 triệu đến 2,1 tỷ đồng một suất. Đến khi cư dân phản ứng vì mức giá này quá vô lý, chủ đầu tư mới giảm xuống còn khoảng 800 triệu đồng một nơi đỗ ôtô. Điều đáng chú ý là, người dân chỉ được sở hữu nơi đỗ ôtô trong vòng 38 năm chứ không phải lâu dài.
Năm 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó một trong những điểm đáng chú ý là quy định về quyền sở hữu và quản lý chỗ đỗ xe. Văn bản này quy định, trong trường hợp nhà chung cư không có đủ chỗ để ôtô dành cho mỗi căn hộ thì chủ đầu tư giải quyết bán, cho thuê chỗ để xe này trên cơ sở thỏa thuận của những người mua căn hộ với nhau. Trường hợp những người mua căn hộ không thỏa thuận được thì chủ đầu tư giải quyết theo phương thức bốc thăm để được mua, thuê chỗ để xe.
Thông tư cũng cho phép người mua chỗ đỗ ôtô được chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ đỗ xe đó. Tuy nhiên, giao dịch chỉ được thực hiện với những người đang ở trong tòa chung cư hoặc bán lại cho chủ đầu tư. Đây là lần đầu tiên vấn đề mua chỗ đỗ xe được luật hóa tại Việt Nam.
Trao đổi với PV, Chuyên gia tư vấn cấp cao GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa cho biết, giá một nơi đỗ ôtô từ vài trăm triệu đồng đến nửa tỷ, thậm chí tiệm cận một tỷ đồng mỗi suất là vô cùng đắt đỏ. Bởi lẽ, quy ra mỗi m2 đây là mức giá không tưởng, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi m2. Vì lẽ đó, thị trường này chỉ phục vụ cho giới nhà giàu. Đây không phải là sản phẩm phổ biến ở các chung cư trung cấp hay bình dân.
Chuyên gia cấp cao của GIBC cũng chỉ ra mặt bất cập là hầu hết các dự án sẽ không thể đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu về nơi đỗ xe hơi cho cư dân, đặc biệt trong bối cảnh ôtô giá rẻ đang đổ bộ vào thị trường Việt Nam một cách ồ ạt. Ở các đô thị phát triển, lẽ ra nên hạn chế không gian cho ôtô để dành không gian phát triển phương tiện công cộng sẽ tạo nên chu kỳ phát triển bền vững hơn.
Ông Nghĩa nhận định, nếu việc mua bán nơi đỗ ôtô ngày càng phổ biến ở các chung cư sẽ khiến chi phí đầu tư dự án bị đội lên đáng kể, đẩy giá thành tiếp tục tăng cao. Mặt khác, đa phần nơi đỗ ôtô được bán có thời hạn sử dụng chứ không sở hữu lâu dài vì phần đất này không có chức năng tương tự như đất ở mà chỉ là đất dịch vụ, thương mại. Do đó, tính pháp lý của dòng sản phẩm này cũng đứng trước thách thức không nhỏ trong tương lai.