Chuyển đổi số - Kinh tế số
Nhà mạng đề xuất giải pháp để Mobile Money bứt tốc
Hữu Tuấn - 25/07/2022 09:58
Các nhà mạng đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng lượng người dùng Mobile Money, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt.

Bước khởi động ban đầu

Tại Hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, cả nước đã có tổng số 1,72 triệu tài khoản Mobile Money hoạt động, tăng gấp 5 lần so với tháng 1/2022. Theo đó, lượng người dùng Mobile Money ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo chiếm 67% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Trong 6 tháng qua, có 7.834 điểm kinh doanh đã được thiết lập, trong đó có 3.757 điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới và hải đảo. Số lượng giao dịch thanh toán mua hàng hóa, dịch vụ bằng dịch vụ Mobile Money đạt 8 triệu giao dịch với tổng giá trị 125 tỷ đồng.

Viettel hiện là nhà mạng có số lượng thuê bao Mobile Money lớn nhất với hơn 1 triệu tài khoản. Để tăng lượng người dùng, Viettel đã tổ chức mô hình "Chợ 4.0 - chợ không tiền mặt" tại tất cả 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc với 122 chợ, tổng số điểm công nghệ thông tin phát triển tại dự án chợ đạt 12.132 điểm.

VNPT cũng có khoảng 500.000 thuê bao Mobile Money và đã phát triển hơn 2.400 điểm kinh doanh (chấp nhận rút nạp tiền) và hơn 10.000 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money trên cả nước. Theo thống kê của VNPT, gần 90% giao dịch thanh toán của khách hàng sử dụng Mobile Money tập trung vào các dịch vụ thiết yếu (điện, nước, viễn thông, tiêu dùng hàng ngày) và các dịch vụ hành chính công.

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), dịch vụ Mobile Money được triển khai đã tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, nhất là nhóm người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng, đã và đang đi vào cuộc sống. Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money nhìn chung được đảm bảo, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Đề xuất các giải pháp tăng trưởng người dùng

Để tăng trưởng lượng người dùng, đạt 100% thuê bao có tài khoản Mobile Money như Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu là nhiệm vụ rất khó khăn. Ngoài 2 vấn đề mấu chốt từ phía doanh nghiệp là mở rộng, tăng điểm kinh doanh, đơn vị chấp nhận thanh toán và truyền thông, quảng bá rộng rãi dịch vụ này, thì cần có sự hỗ trợ về chính sách từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Ngô Diên Hy, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT đề nghị, cần có sự điều chỉnh chính sách sau 6 tháng thí điểm Mobile Money. Đầu tiên là nới hạn mức giao dịch. Hiện có khoảng hơn 40% đối tượng tiếp cận Mobile Money là ở khu vực thành thị, nên với hạn mức 10 triệu đồng/tháng cho các nhu cầu thiết yếu thì vẫn chưa đủ thỏa mãn nhu cầu người dùng. Bên cạnh đó, một vấn đề cấp thiết là cơ quan nhà nước cho phép Mobile Money liên thông dịch vụ, cho  giao dịch Mobile Money giữa các nhà mạng đang có tại Việt Nam và cho phép thanh toán chéo giữa các đơn vị trung gian thanh toán khác nhau, giúp Mobile Money có thể thanh toán được với các thương nhân đang dùng các trung gian thanh toán khác.

“Đây là những vấn đề mấu chốt để thu hút người dân tiếp nhận và sử dụng Mobile Money, bởi việc thay đổi thói quen thanh toán của người dân cần phải xuất phát từ việc cho họ thấy được lợi ích và tính tiện dụng của dịch vụ”, ông Hy cho biết.

Còn ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel thì đề xuất, Chính phủ thực hiện các hoạt động hỗ trợ tới các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa như giải ngân các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội, cấp vốn, cho vay thông qua tài khoản tiền di động. Cùng với đó, cho phép các nhà mạng được kết nối, tra cứu, sử dụng thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện quy trình định danh, xác thực điện tử.

“Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ đề xuất Chính phủ đánh giá kết quả thí điểm, xem xét mở rộng một số quy định giới hạn về đối tượng, phạm vi, hạn mức sử dụng dịch vụ… để các doanh nghiệp kinh doanh có cơ sở nâng cao tính hấp dẫn của dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt”, đại diện Viettel đề nghị.

Được biết, trong quý III/2022, Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) sẽ thực hiện xong việc kết nối liên thông giữa tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money với nhà mạng đầu tiên. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money, đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile Money của doanh nghiệp thí điểm.

Tin liên quan
Tin khác