Mục tiêu của MobiFone là phát triển 1.000 trạm 5G trong năm 2024. Ảnh: Đức Thanh |
Đồng loạt đấu giá 3 khối tần số “vàng”
Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia vừa ra 3 thông báo về việc đấu giá tài sản là quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các khối băng tần B1, C2 và C3.
Theo đó, khối băng tần B1 (2.500 - 2.600 MHz) được đấu giá đầu tiên với giá khởi điểm gần 3.984 tỷ đồng. Để tham gia đấu giá, doanh nghiệp phải đặt trước 200 tỷ đồng.
Khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo Tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo. Giá khởi điểm là gần 1.957 tỷ đồng. Khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá là 100 tỷ đồng.
Khối băng tần C2 (3.700 - 3.800 MHz) được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo Tiêu chuẩn IMT-2020 (5G) và các phiên bản tiếp theo. Giá khởi điểm đấu giá khối băng tần C2 là gần 1.957 tỷ đồng và phải đặt cọc 100 tỷ đồng để tham gia đấu giá.
Cũng theo thông báo, thời hạn của giấy phép sử dụng từng băng tần nêu trên với doanh nghiệp trúng đấu giá là 15 năm. Hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng tại cuộc đấu giá. Thời gian đấu giá của 3 khối băng tần là từ ngày 5 đến ngày 15/3/2024.
Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA) cho biết, để triển khai mạng 5G hoàn chỉnh với đầy đủ các khả năng, cần sử dụng cả các băng tần thấp (low-band), băng tần trung (mid-band) và băng tần cao (mmWave), nhưng trong giai đoạn đầu, băng tần trung đóng vai trò quan trọng nhất. Lý do là, các băng tần này có thể cân bằng giữa khả năng đáp ứng băng thông rộng và liên tục để cung cấp tốc độ cao và khả năng phủ sóng rộng.
Theo Báo cáo của GSMA, đến hết quý II/2023, số mạng 5G sử dụng băng tần trung chiếm 71% tổng số mạng 5G đã triển khai. Như vậy, các quốc gia đều có định hướng, quy hoạch các băng tần trung, với trọng tâm là các phần của băng tần 3.400-4.200 MHz để cấp phép cho các nhà mạng triển khai 5G.
Ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting, chuyên gia Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nhận xét, giá khởi điểm đấu giá băng tần 5G ở Việt Nam trong tháng 3/2024 là hợp lý so với cuộc đấu giá thất bại năm 2023. “Giá khởi điểm như vậy thấp hơn đáng kể so với giá khởi điểm được đề xuất cho phổ tần 2.3 GHz chưa được tiến hành vào giữa năm 2023. Ngoài ra, lần này, có 3 khối băng tần được đưa ra đấu giá, mỗi khối có độ rộng 100 MHz (thay vì 30 MHz như phương án cũ) sẽ phù hợp hơn cho dịch vụ 5G”, ông Scott đánh giá.
Cũng theo ông Scott, với phương án này, nhà mạng có nhiều lựa chọn hơn. Các nhà mạng cũng cần đầu tư vào hạ tầng mạng 5G và cải thiện đường truyền để hỗ trợ 5G, vì thế, cần tính đến bài toán đầu tư để đảm bảo lợi nhuận.
Nhà mạng sẵn sàng “tham chiến”
Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng các doanh nghiệp viễn thông chủ chốt của Nhà nước đầu tư vào các hạ tầng viễn thông thế hệ mới (hạ tầng số) để tạo nền tảng mới, động lực mới cho phát triển đất nước. Tại các cuộc làm việc với 3 nhà mạng VNPT, MobiFone và Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Nếu 4 năm trước mà triển khai 5G thì thiết bị rất đắt, có làm cũng chỉ nên phủ sóng 20-30% ở các thành phố. Nhưng nay, sau 4 năm, giá thiết bị chỉ còn 1/4, nên với số tiền đầu tư đó, nhà mạng có thể phủ sóng 100%. Nhà mạng hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024, hãy sử dụng 5G SA ngay, không cần phải đi qua giai đoạn trung gian 4,5G (5G NSA).
Tại Viettel, nhà mạng này đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào Top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G. Đến nay, Viettel đã xây dựng và triển khai thử nghiệm gần 500 trạm 5G tại 63 tỉnh, thành phố.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Viettel cho biết, năm 2024, Viettel sẽ chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do Viettel sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế.
Còn Tập đoàn VNPT cho biết, sóng 5G Vinaphone đã được mở rộng tại 16 tỉnh, thành phố. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, VNPT đã phát sóng hơn 100 điểm trạm 5G ở 10 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM. Hiện có khoảng 18% thiết bị của người dùng VNPT sử dụng 5G.
"Năm nay, VNPT chắc chắn làm 5G và sẽ triển khai như cam kết theo yêu cầu về đấu giá của Bộ Thông tin và Truyền thông. Song chúng tôi cũng sẽ phải tính toán căn cơ để bảo đảm việc kinh doanh dịch vụ này", ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT cho biết.
Theo ông Thái, vấn đề khó nhất đối với các nhà mạng khi triển khai 5G không phải là tần số, hay hạ tầng, mà là phương án kinh doanh hiệu quả. Triển khai 5G đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng có doanh thu, có lợi nhuận hay không là câu hỏi khó.
Trong khi đó, MobiFone cho biết đã thử nghiệm thành công 5G tại TP.HCM, Huế, Nha Trang, Phú Quốc, Hưng Yên. MobiFone đã chuẩn bị phương án đấu giá cũng như phương án đầu tư phát triển vùng phủ sóng mới 5G và phương án kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên nền 5G. Mục tiêu của MobiFone là phát triển 1.000 trạm 5G ngay trong năm 2024.
"Chúng tôi sẽ triển khai thương mại hóa 5G sớm nhất có thể sau khi trúng đấu giá 5G. MobiFone chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật để có thể cung cấp dịch vụ 5G trong năm 2024, tùy thuộc vào kết quả đấu giá 5G sắp tới", lãnh đạo MobiFone nói.