Các nhà mạng đã được phê duyệt cho thí điểm Mobile Money để thanh toán các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ |
Sẵn sàng thí điểm
Sau hơn 2 năm kể từ khi đặt vấn đề và kiến nghị, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media cho biết, VNPT đã chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực để ngay khi được phê duyệt thử nghiệm sẽ sẵn sàng triển khai ngay.
“Bản thân VNPT là đơn vị nhiều kinh nghiệm thực tiễn triển khai trung gian thanh toán, lại sẵn sàng các công nghệ, hạ tầng kết nối cũng như công nghệ xác thực (iKYC), an ninh bảo mật… tương đương hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, VNPT cũng đã tiến hành kết nối với đối tác, tập huấn nội bộ cho cán bộ nhân viên để khi được phê duyệt sẽ đi vào hoạt động ngay”, ông Hải nói.
Hiện VNPT là nhà mạng có lợi thế rất lớn trong Mobile Money với một hệ sinh thái tài chính số khá hoàn chỉnh. VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. VNPT cũng đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate, Giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect. Đặc biệt, năm 2020, ví điện tử VNPT Pay đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và luôn đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến qua hệ thống này.
Đối với MobiFone, cùng ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, MobiFone cũng chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành giấy phép số 09/GP-NHNN, cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đây chính là “điều kiện cần và đủ” để MobiFone tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money.
“Mobile Money là mảnh ghép cuối cùng, là mạch máu của hệ sinh thái số của MobiFone. Trung gian thanh toán và Mobile Money là một cấu phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính”, ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone chia sẻ.
Theo đại diện MobiFone, để chuẩn bị cho lĩnh vực này, MobiFone có sự đầu tư, chuẩn bị toàn diện khá sớm. Đặc biệt, với ưu thế sở hữu các điểm giao dịch rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nên MobiFone có thể phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng trong lĩnh vực trung gian thanh toán. MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán.
Một nhà mạng lớn nữa là Viettel đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai dịch vụ Mobile Money ngay sau khi được cấp phép. Cụ thể, Viettel đã xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán, hệ thống cung cấp dịch vụ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ sinh thái số thiết thực cũng đã được hình thành gồm thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, thương mại điện tử trên nền thanh toán số.
Viettel hiện có mạng lưới điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán hơn 200.000 điểm trên toàn quốc. Viettel từ sớm cũng được cấp phép dịch vụ ví điện tử và trung gian thanh , hệ thống xử lý hàng tháng dòng tiền hơn 50.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu giao dịch. Hệ thống của Viettel có thể ngay lập tức đáp ứng 60 triệu thuê bao sử dụng Mobile Money.
Lộ trình phát triển của Viettel đối với dịch vụ Mobile Money là đến năm 2025, Viettel dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao. Như vậy, doanh thu trung bình với dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025, ước tính khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng/tháng.
Hạn mức hợp lý
Một vấn đề được các đơn vị chấp nhận thanh toán, người dùng cá nhân và cả nhà mạng quan tâm là hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng đối với mỗi tài khoản Mobile Money cho tổng các giao dịch như rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Sơn Hải cho rằng, hạn mức này quy định trong thời gian thí điểm là hợp lý vì còn liên quan đến nhiều yếu tố như quy mô thí điểm, lượng khách hàng, an ninh bảo mật, phòng chống rửa tiền…
“Nhưng khi kết thúc thí điểm, tùy tình hình thực tế kết quả, có thể sẽ nâng hạn mức lên mức cao hơn hoặc không nên hạn chế”, ông Hải bình luận.
Theo ông Bùi Sơn Nam, hạn mức 10 triệu đồng/tháng cũng là mức hợp lý cho thanh toán, dịch vụ hàng hóa có giá trị nhỏ. Mobile Money rất thích hợp và tiện dụng cho việc thanh toán các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, truyền hình… nếu thực hiện được sẽ làm bùng nổ dịch vụ Mobile Money. Như vậy, bản thân các nhà cung cấp dịch vụ cũng tiết kiệm được chi phí rất nhiều vì không phải thuê nhân công để thu những khoản tiền này, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Nếu Chính phủ quyết tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thì đây chính là công cụ hữu ích nhất.
Được biết, sau Quyết định số 316/QĐ-TTg, các nhà mạng sẽ phải xây dựng, gửi hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ MobileMoney tới Ngân hàng Nhà nước xem xét, thẩm định. Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cùng hướng dẫn, thẩm định, đánh giá, quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động thí điểm Mobile Money.
Tính đến hết năm 2019, có 95 nước chấp nhận Mobile Money với hơn 1 tỷ tài khoản được đăng ký, giao dịch trung bình mỗi ngày 1,9 tỷ USD.
Tại Việt Nam,đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).
(Nguồn Bộ TT&TT, NHNN)