“Không phải trả kinh phí khi đấu nối vào lưới truyền tải do EVN đầu tư”, là khẳng định của ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) về thủ tục đấu nối của các nhà máy điện lên hệ thống truyền tải điện quốc gia.
Trước đó, đã có Đại biểu Quốc hội phản ánh, việc tư nhân đầu tư đường truyền tải đã dẫn tới tình trạng quyền đấu nối của chủ đầu tư tư nhân này đang thực hiện theo “luật rừng”, tức là tự thỏa thuận, tự đưa ra mức giá, các nhà đầu tư nguồn điện khác muốn đấu nối được vào có thể mất số tiền rất lớn, có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Nguồn thu này không vào ngân sách mà vào các nhóm nhà đầu tư truyền tải.
Việc đấu nối từ nhà máy điện lên hệ thống truyền tải điện quốc gia được thực hiện theo những quy định nào, thưa ông?
Hiện nay, công tác thỏa thuận đấu nối của EVNNPT với các khách hàng có nhu cầu đấu nối (trong đó có các chủ đầu tư nhà máy điện) thực hiện theo quy định hệ thống điện truyền tải ban hành tại Thông tư 25/2016/TT-BCT (Thông tư 25) ban hành năm 2016 của Bộ Công Thương và các quy định nội bộ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Cụ thể, theo Điều 43 - Trình tự thỏa thuận đấu nối của Thông tư 25, khi có nhu cầu đấu nối mới hoặc thay đổi điểm đấu nối hiện tại, khách hàng có nhu cầu đấu nối phải gửi hồ sơ đề nghị đấu nối cho EVNNPT bao gồm:
Ông Lưu Việt Tiến, Phó tổng giám đốc EVNNPT |
Văn bản đề nghị đấu nối, kèm theo các nội dung theo mẫu quy định tại các Phụ lục 1A, 1B, 1C ban hành kèm theo Thông tư 25; các tài liệu kỹ thuật về các trang thiết bị dự định đấu nối hoặc các thay đổi dự kiến tại điểm đấu nối hiện tại; thời gian dự kiến hoàn thành dự án, số liệu kinh tế - kỹ thuật của dự án đấu nối mới hoặc thay đổi đấu nối hiện tại.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị đấu nối đầy đủ và hợp lệ, EVNNPT có trách nhiệm xem xét các yêu cầu liên quan đến thiết bị điện dự kiến tại điểm đấu nối; chủ trì thực hiện đánh giá ảnh hưởng của việc đấu nối trang thiết bị, lưới điện, nhà máy điện của khách hàng có nhu cầu đấu nối đối với lưới điện truyền tải; dự thảo Thỏa thuận đấu nối theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BCT, gửi cho khách hàng có nhu cầu đấu nối và cấp điều độ có quyền điều khiển.
Chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị đấu nối đầy đủ và hợp lệ của khách hàng, gửi văn bản đề nghị cấp điều độ có quyền điều khiển và các đơn vị liên quan có ý kiến chính thức về ảnh hưởng của đấu nối đối với hệ thống điện truyền tải; các nội dung liên quan đến yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị điện tại điểm đấu nối, yêu cầu phục vụ vận hành, điều độ đối với các tổ máy phát điện, yêu cầu về trang bị hệ thống sa thải phụ tải theo tần số đối với khách hàng sử dụng điện; dự thảo Thỏa thuận đấu nối. Trong thời hạn 20 ngày làm, các đơn vị này có trách nhiệm gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đối với các nội dung nêu trên.
Sau đó, không quá 20 ngày làm việc, EVNNPT có trách nhiệm hoàn thiện và ký dự thảo Thỏa thuận đấu nối với khách hàng. Thời hạn xem xét hồ sơ đề nghị đấu nối, chuẩn bị dự thảo Thỏa thuận đấu nối và gửi lấy ý kiến các đơn vị không quá 35 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Có Đại biểu Quốc hội đã phản ánh việc một số nhà nhà máy điện khi muốn đấu nối vào các đường dây truyền tải do tư nhân đầu tư phải chấp nhận “luật từng” và chi tiền hàng tỷ đồng. Vậy khi đấu nối vào các đường dây do EVNNPT quản lý, các nhà đầu tư có phải thanh toán kinh phí đấu nối không, thưa ông?
Theo thông tư 25, khách hàng có nhu cầu đấu nối (trong đó có các chủ đầu tư nhà máy điện) không phải trả kinh phí đấu nối. EVNNPT có trách nhiệm đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải để kết nối với lưới điện của khách hàng theo đúng ranh giới đầu tư xây dựng quy định tại Thỏa thuận đấu nối. Khách hàng có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện trong phạm vi quản lý và có trách nhiệm quản lý, vận hành hệ thống điện hoặc nhà máy điện tuân thủ Quy định hệ thống điện truyền tải và các quy định khác có liên quan.
EVNNPT hỗ trợ kỹ thuậtđể hoàn thành dự ánđường dây 500kV đấunối vào nhà máy điện giólớn nhất Việt Nam- Nhà máy Điện gió EaNam (huyện Ea H’leo,tỉnh Đắk Lắk) |
Từ năm 2014 đến nay EVNNPT đã thỏa thuận đấu nối với 166 chủ đầu tư các nhà máy điện trong đó bao gồm 47 nhà máy nhiệt điện, thủy điện nhỏ, sinh khối, 53 nhà máy điện mặt trời và 66 nhà máy điện gió.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư các dự án nguồn điện, EVNNPT đã chỉ đạo gì đối với các đơn vị trực thuộc?
Để tạo điều kiện cho khách hàng có nhu cầu đấu nối (trong đó có các chủ đầu tư nhà máy điện) sớm hoàn thiện thủ tục Thỏa thuận đấu nối và triển khai đấu nối, EVNNPT đã chỉ đạo các công ty truyền tải, các ban quản lý dự án trực thuộc EVNNPT (trong trường hợp EVNNPT có trách nhiệm đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải để kết nối với lưới điện của khách hàng) phối hợp chặt chẽ với khách hàng để thỏa thuận thiết kế kỹ thuật điểm đấu nối, thống nhất giải pháp cắt điện để thi công, phối hợp bảo vệ đường dây, thông tin liên lạc, phối hợp vận hành nhằm kịp thời xử lý sự cố, đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải.
Công nhân Truyền tải điện Bình Thuận hỗ trợ kỹ thuật đóng điện Trạm biến áp 500/220 kV Trung Nam và đường dây đấu nối kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam. |
EVNNPT nhận thức rằng, việc đóng điện điểm đấu nối theo đúng thỏa thuận không những đảm bảo lợi ích của khách hàng, mà còn tăng cường nguồn điện cho hệ thống điện (đối với khách hàng phát điện), đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải (đối với khách hàng sử dụng điện), nhằm đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia.
Vậy EVNNPT có khuyến cáo gì với các chủ đầu tư nguồn điện trong việc phối hợp với mình để việc đấu nối được hiệu quả nhất, thưa ông?
Để sớm hoàn thiện thủ tục thỏa thuận đấu nối và triển khai đấu nối, khách hàng cần phối hợp chặt chẽ với các Ban chức năng và các đơn vị trực thuộc EVNNPT, thường xuyên thông báo tiến độ thực hiện xây dựng nhà máy, lưới điện, thời gian thử nghiệm, chạy thử vận hành nhà máy, lưới điện.
Phối hợp, thống nhất giải pháp cắt điện thi công đóng điện điểm đấu nối; thực hiện đúng trách nhiệm về đầu tư xây dựng lưới điện theo ranh giới đầu tư.
Phối hợp với EVNNPT tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng của cả hai bên, đặc biệt là các vướng mắc khách quan có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ đóng điện điểm đấu nối; tuân thủ các yêu cầu về đấu nối nhà máy điện vào lưới điện truyền tải và vận hành hệ thống điện truyền tải được quy định trong Thông tư số 25/2016/TT-BCT.