Khi tham gia vào mô hình, bà con được cung ứng vật tư, phân bón, được hướng dẫn kỹ thuật quy trình bón phân hiệu quả tiết kiệm giúp bà con giảm chi phí sản xuất, đảm bảo năng suất và được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cả cao hơn giá thị trường 150-200 đồng/kg (nếu đạt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn cho phép).
Mô hình tối ưu, hiệu quả tối đa
Tại xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, trên 47,6 ha lúa OM5451 được trình diễn với sự tham gia của 26 hộ dân. Mô hình đã đưa bà con thoát ra khỏi lối mòn canh tác cũ, tiếp cận với công nghệ hiện đại khi ứng dụng thiết bị máy bay không người lái là công cụ để gieo sạ - bón phân – phun thuốc bảo vệ thực vật giúp quản lý dinh dưỡng, dịch hại, tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp cho nông dân, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân hào hứng khi nghe chia sẻ về kết quả mô hình |
Ông Nguyễn Ngọc Thuần, một trong 26 nông dân tham gia mô hình hào hứng khoe: “Trước đây, khi chưa tham gia vào mô hình, tôi chỉ canh tác và bón phân theo kinh nghiệm của bản thân, lúc đó thấy lúa phát triển không đồng đều, chỗ vàng chỗ xanh; vụ trúng, vụ thất nên cũng rất lo. Từ khi tham gia vào mô hình, tôi thấy hiệu quả rất rõ rệt, tôi được hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp; được hướng dẫn kỹ thuật bón phân cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, bón phân vừa đủ giúp tiết kiệm chi phí mà lại hạn chế sâu bênh hại. Vụ này, ruộng tôi thu hoạch được 5,76 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1,46 tấn, trong khi tổng chi phí bỏ ra chỉ có hơn 20 triệu/ha, thấp hơn hơn ruộng đối chứng gần 1 triệu. Vì vậy mà lợi nhuận tôi thu được cũng cao hơn ruộng đối chứng đến 9 triệu/ha”.
Được biết, kết quả mô hình so với ruộng đối chứng cho thấy hiệu quả tích cực, chiều cao cây, số chồi, chiều dài bông và năng suất của ruộng mô hình tăng rõ rệt so với ruộng đối chứng: năng suất đạt 5,48 – 5,76 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng từ 1,18 – 1,46 tấn/ha; chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng đối chứng từ 903.000 – 4.175.000 đồng/ha; lợi nhuận tăng từ 8.860.000 – 10.606.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng.
Định hướng phát triển nông nghiệp bền vững
Cùng với sự chung tay góp sức của cơ quan ban ngành địa phương, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao và liên kết tiêu thụ của Phân bón Cà Mau ngày càng được nhân rộng và được đông đảo bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng vì vừa giúp giải quyết được khó khăn trước mắt, vừa là hướng đi ổn định lâu dài cho nhà nông.
Bà con nông dân tại Chợ Mới - An Giang hào hứng tham quan mô hình |
Ở góc độ chuyên môn, bà Huỳnh Đào Nguyên – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang đánh giá: “Trong tình hình giá cả vật tư nông nghiêp tăng cao như hiện nay thì mô hình này rất ý nghĩa đối với bà con nông dân, vì không chỉ được hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, được hướng dẫn kỹ thuật mà còn được bao tiêu sản phẩm đầu ra giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất”.
Nhiều năm đồng hành với nhà nông, ông Huỳnh Trần Anh Quang – Phó Giám đốc Marketing, đại diện Phân bón Cà Mau cho biết, rất thấu hiểu tâm tư của bà con. Công ty luôn hỗ trợ tối đa mọi mặt giúp bà con canh tác hiệu quả có lợi nhuận nhiều hơn. Trong đó, tích cực liên kết với các tổ chức chuyên môn, ban ngành địa phương triển khai mô hình sản xuất thông minh như vậy là phương thức ưu thế.
Từ đây, bà con biết dùng công nghệ kỹ thuật mới thay cho cách làm cũ, đặc biệt quan tâm chọn đúng sản phẩm thương hiệu để giúp vụ mùa thành công. Đặc biệt Phân bón Cà Mau ngày càng hoàn thiện bộ giải pháp dinh dưỡng đa dạng, được xem là mấu chốt cho những mùa vàng rực rỡ, tiết giảm chi phí mà lại cho hiệu quả kinh tế cao.
Như vậy, việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cùng sự chung tay của cơ quan ban ngành đã cho thấy được hiệu quả tối ưu, hợp thời và tích cực. Đây là tín hiệu tốt cho hướng đi bền vững của nông nghiệp Việt.