Thời sự
Nhà nước sẽ không can thiệp vào giá điện?
An Nguyên - 09/09/2020 09:09
Đến năm 2024, giá điện mới thực sự theo cơ chế thị trường, hoàn toàn minh bạch, có lên, có xuống và không có sự can thiệp của Nhà nước.

Không chắc giá điện sẽ tăng hay giảm

Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Sau báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, từ vị trí chủ tọa, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển là người đầu tiên đặt câu hỏi. Ông Hiển nêu 3 vấn đề về quy hoạch, giá điện và điện than. Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương làm rõ tại phiên giải trình.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển hỏi: “Chủ trương của Đảng là vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, nhưng qua xem xét thấy rằng, cả giá điện đầu vào và bán ra chưa bám sát cơ chế thị trường, làm giảm động lực của sự phát triển điện năng, có đúng như vậy không?”.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời, đến năm 2024, giá điện mới thực sự theo cơ chế thị trường, hoàn toàn minh bạch, có lên, có xuống, không còn câu chuyện Nhà nước can thiệp vào.

Cũng liên quan đến giá điện, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm đặt vấn đề: theo báo cáo của Bộ Công thương, từ năm 2011 đến nay, đã 9 lần điều chỉnh giá bán lẻ điện, đều là điều chỉnh tăng, chưa bao giờ điều chỉnh giảm. Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chưa nỗ lực hết mình giảm giá thành điện để giảm giá bán, nhiều yếu tố giảm giá thành điện chưa được quyết liệt thực hiện, biểu tính giá điện hiện nay không hợp lý, cách tính giá điện ngoài sinh hoạt bất cập, người dân phải bù giá điện cho sản xuất.

“Bao giờ, cụ thể là thời điểm nào thì có thể bàn đến giảm giá điện, quy hoạch hướng tới mục tiêu này (mục tiêu giảm giá điện - PV) như thế nào”, ông Hàm nêu câu hỏi.

Trả lời các câu hỏi về giá điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện tại mới đang hướng tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, đến năm 2024 thực sự có cơ chế thị trường, người sử dụng điện đều có thể đàm phán giá và ký hợp đồng với người bán. Khi đó, giá điện có tăng, có giảm, Nhà nước chỉ quản lý phí các hệ thống truyền tải và phân phối.

Vậy đến năm 2024, giá điện có giảm xuống không? Không thể khẳng định điều này, song Bộ trưởng Trần Tuấn Anh quả quyết, khi đó, doanh nghiệp và người dân sẽ được hưởng lợi bởi cơ chế bán điện công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ và giá điện sẽ thật sự phản ánh đúng quy luật của thị trường, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tái đầu tư.

“Đến năm 2024, giá điện giảm hay tăng, tôi không dám chắc, vì còn phụ thuộc vào yếu tố đầu vào, vào thị trường thế giới. Nhưng giai đoạn nào, Nhà nước cũng có chính sách về giá để đảm bảo an sinh xã hội”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Giá nào là hợp lý?

Theo đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Quy hoạch Điện lực trong thời kỳ vừa qua xác định cụ thể quy mô, thời gian vận hành và chủ đầu tư dự án đã dẫn đến tình trạng có nhiều nhà đầu tư được lựa chọn không đủ năng lực về tài chính và kỹ thuật, xuất hiện việc chào bán, chuyển nhượng dự án; nhiều dự án chậm tiến độ. Mặt khác, trường hợp có sự thay đổi quy mô, thời gian vận hành, thì các nhà đầu tư lại mất nhiều thời gian, chi phí để được thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư chậm trong thời gian vừa qua và không thực hiện được quy hoạch điện là thiếu nguồn lực tài chính.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Cũng liên quan đến giá điện, phát biểu cuối phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, so với yêu cầu của một thị trường đầy đủ, giá cả được tính đúng, tính đủ, có lợi nhuận hợp lý, hạn chế bao cấp, tạo nguồn lực tích lũy để đầu tư phát triển, thì thị trường điện của nước ta, giá cả (kể cả bán buôn và bán lẻ) còn có một khoảng cách, chưa thực sự phản ánh quan hệ cung cầu, chưa theo quy luật giá trị. Bên cạnh đó, cơ chế giá điện thiếu đột phá, chậm thay đổi, chưa thực sự phù hợp theo vùng miền, chưa đưa ra tín hiệu định hướng đầu tư…

“Có nhiều ý kiến cho rằng, một số lĩnh vực sản xuất được nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhờ lợi dụng giá điện thấp, nhân công rẻ, giá môi trường rẻ… Nhiều loại thiết bị, công nghệ lạc hậu tiêu tốn năng lượng được chuyển dịch vào Việt Nam những năm qua cũng vì lý do đó. Đây là câu hỏi cần được trả lời”, ông Hiển phát biểu.

Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân dẫn tới việc đầu tư chậm trong thời gian vừa qua và không thực hiện được quy hoạch điện là thiếu nguồn lực tài chính. Lý do là, khả năng tài chính của các nhà đầu tư, các tập đoàn là có hạn; khả năng tín dụng của các ngân hàng cũng có giới hạn; vay nước ngoài của một số dự án đã bị từ chối vì cơ chế hạn chế bảo lãnh của Chính phủ.

Giá mua điện chưa hấp dẫn, lợi tức thấp, thì khó có thể thu hút các nhà đầu tư. Nhưng mặt khác, hiện nay, nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp đề nghị được đầu tư, mặc dù đã vượt Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, rào cản lại là giá bán lẻ điện mỗi lần điều chỉnh là một lần khó khăn bởi sự không chấp nhận của người mua, của dư luận, của báo chí…

Sau phân tích trên, ông Hiển nhấn mạnh, đây là lẽ thường tình, bởi chẳng ai muốn mua gì đắt cả, càng rẻ càng tốt. Vì vậy, cần phải làm rõ căn cứ, tính công khai, minh bạch và hợp lý của giá điện. Điều đó sẽ tốt cho cả người cung cấp và người thụ hưởng, vì nếu thiếu điện, thì người cung cấp cũng khốn khổ, mà người thụ hưởng càng khốn khổ hơn. Hơn nữa, nếu giá điện tính không hợp lý cả khâu mua và khâu bán, thì cũng là nguy cơ trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh năng lượng. Sự cạn kiệt năng lực tài chính của ngành năng lượng cũng là sự cạn kiệt của nguồn năng lượng.

Tin liên quan
Tin khác