Doanh nghiệp
Nhà nước và DN trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư
GS-TSKH Nguyễn Mại - 15/06/2014 10:14
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) hy vọng sẽ có được hành lang pháp lý thông thoáng hơn qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005. Trong cả hai luật này, vấn đề cốt lõi là xử lý đúng đắn quan hệ giữa Nhà nước và DN.
TIN LIÊN QUAN

I

Không thể tìm kiếm mô hình lý tưởng về mối quan hệ này cho mọi quốc gia ở những trình độ phát triển khác nhau, bởi cuộc sống luôn đặt ra những vấn đề, tình huống phải xử lý bằng quy định của luật pháp thích ứng với từng giai đoạn phát triển của mỗi nước.

   
  Doanh nghiệp mong muốn môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Ảnh: Đức Thanh  

Đôi khi, những người tham gia tranh luận ở các diễn đàn viện dẫn quy định của luật pháp nước khác làm cơ sở để đề nghị phải sửa đổi, bổ sung luật pháp của nước ta, nhưng lại không nghiên cứu kỹ bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của nước đó và sự khác biệt về trình độ phát triển với nước ta hiện nay, bởi đúng như nhận định của nguyên thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ O.W.Hodmes, thì “cuộc sống của luật không phải là ở logic, mà ở kinh nghiệm”.

Tất nhiên, khi đã theo đuổi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thì nước ta phải tôn trọng các cam kết trong khung khổ hợp tác đa phương và song phương, phải biết học hỏi kinh nghiệm xây dựng luật pháp của những nước tiên tiến để đề ra các quy định vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa thích ứng với trạng thái phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có hiệu năng trong việc giải quyết những vấn đề đặt ra trong từng giai đoạn phát triển.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải đặt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tuy đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn sụt giảm so với mức bình quân 7 - 7,5% đã đạt được và so với tiềm năng có thể khai thác, vì thế cần phải tạo ra một số đột phá theo yêu cầu cải cách thể chế, để khắc phục những khiếm khuyết hiện tại, tạo tiền đề để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.

II

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được hình thành theo nguyên tắc “DN được kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”. Đó là điều đã có được nhận thức thống nhất cả từ phía Nhà nước và phía DN. Vấn đề cần phải bàn thảo là, vận dụng nguyên tắc đó như thế nào trong việc quy định một số điều khoản có liên quan đến đầu tư và kinh doanh để tạo thuận lợi cho DN, đồng thời bảo đảm hiệu năng quản lý nhà nước.

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cũng cần quán triệt phương châm “tự do hóa thương mại và đầu tư” trong hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế có liên quan đến việc dỡ bỏ dần rào cản về thuế quan và phi quan thuế, hài hòa hóa thủ tục hải quan xuyên biên giới.

Trong vài năm gần đây, do vấn đề thủ tục hành chính là trở ngại lớn cho việc ra đời và hoạt động của DN, nên “thuận lợi hóa” đã trở thành một phương châm trong quản lý nhà nước đối với đầu tư và kinh doanh.

Trên cơ sở đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) phải xử lý đồng thời hai nhược điểm chủ yếu của Luật hiện hành: 1) chưa hình thành được hành lang pháp lý thông thoáng để tạo tiền đề cho DN được quyền tự chủ thực hiện ý tưởng, sáng kiến trong kinh doanh và đầu tư; 2) còn nhiều kẽ hở về luật pháp, nên vừa không bảo vệ được hành vi kinh doanh chân chính, vừa bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động bất chính.

Việc giảm thiểu thủ tục phiền hà, rút ngắn thời gian thực hiện các công đoạn trong mỗi quy trình của thủ tục hành chính đã trở thành tư tưởng chỉ đạo và đã được thể hiện rõ nét trong các quy định mới trong hai luật trên. Tuy vậy, quá trình thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (2005) cũng nảy sinh nhiều hiện tượng đáng quan tâm, như đã xuất hiện hàng trăm DN “ma” để lợi dụng việc hoàn thuế trị giá gia tăng; một số nhà đầu tư (rởm) lợi dụng sự dễ dãi trong thẩm định dự án để được cấp phép những dự án FDI hàng trăm triệu, hàng tỷ USD, nhưng sau đó không thực hiện. Thực trạng đó đòi hỏi việc sửa đổi hai luật này phải “bịt” các kẽ hở luật pháp.

Tư tưởng tạo đột phá đã được coi trọng trong việc sửa đổi hai luật này. Tuy vậy, cần có nhận thức toàn diện hơn, bởi vì không chỉ liên quan đến nội dụng từng điều luật (mặc dù rất quan trọng), mà còn phải đáp ứng được những đòi hỏi chính đáng của DN trong nước và DN nước ngoài, như minh bạch, công khai, ổn định của luật pháp, việc thực thi luật pháp nghiêm chỉnh, thống nhất trong cả nước...

III

 1. Trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (dự thảo), vấn đề lĩnh vực đầu tư và kinh doanh có điều kiện và cấm đã có nhiều ý kiến khác nhau. Dự thảo luật quy định “Cấm hoạt động kinh doanh gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá huỷ môi trường”. Quy định như vậy khá rộng và thiếu minh bạch. 

Hiện nay, số ngành nghề đầu tư và kinh doanh có điều kiện khá nhiều (khoảng 330), do vậy, có ý kiến cho rằng, nên rút bớt để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư và DN. Luật (dự thảo) kiến nghị để Chính phủ ban hành Danh mục cấm và kinh doanh có điều kiện.

Hiện nay, cả Quốc hội và Chính phủ đều thấy cần thiết phải cải cách thể chế, sửa đổi hai luật này theo hướng tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhưng lịch sử kinh tế nước ta đã cho thấy, các bộ chuyên ngành có khuynh hướng tận dụng việc ban hành các luật mới cùng các điều kiện đầu tư, kinh doanh, để từ đó quy định thêm giấy phép con.

Để khắc phục tình trạng trên, có thể thực hiện một trong 2 giải pháp.

Một là, rà soát ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cấm để giảm bớt đến mức hợp lý. Tốt nhất là Danh mục ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cấm đưa vào phụ lục của hai luật này.

Hai là, Chính phủ ban hành nghị định ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và cấm, giấy phép của những ngành này, đồng thời không cho phép các bộ tự quy định giấy phép đầu tư và kinh doanh.

 2. Về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong Luật Đầu tư (dự thảo) chỉ áp dụng đối với dự án và ngành, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện; đối với dự án khác thì không cấp giấy này, trừ trường hợp nhà đầu tư đề nghị.

Một số nhà đầu tư và DN không coi việc sửa đổi này là tạo thuận lợi cho họ, vì giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là cơ sở pháp lý để làm các thủ tục có liên quan đến dự án đầu tư như cấp đất, xây dựng, môi trường… Hơn nữa, trong điều kiện năng lực quản lý nhà nước của nhiều địa phương còn khá hạn chế trong việc theo dõi, hướng dẫn nhà đầu tư và DN trong quá trình triển khai dự án, thì việc bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thông thường sẽ không đưa lại hiệu quả cho nhà đầu tư và làm giảm hiệu năng quản lý nhà nước.

Trên thực tế, việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở nhiều địa phương khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian, nếu áp dụng rộng rãi đăng ký qua Internet thì còn thuận lợi hơn. Do vậy, nên cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định bỏ loại giấy này đối với dự án thông thường.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài, việc Luật Đầu tư (dự thảo) cũng áp dụng quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trong nước cần được cân nhắc thêm. Nếu nhà đầu tư trong nước là tổ chức hay cá nhân khi tiến hành thủ tục đăng ký dự án đầu tư thì đã có địa chỉ cư trú của công dân hoặc trụ sở của tổ chức, trong khi nhà đầu tư nước ngoài lại chưa có các yếu tố đó, trừ trường hợp họ đã được lập DN (theo Luật Doanh nghiệp). Quy định như vậy có nghĩa là, nhà đầu tư nước ngoài không được phép lập dự án đầu tư khi chưa thành lập DN.

Cho đến nay, nước ta chỉ áp dụng trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được cấp phép cho dự án đầu tư mới làm thủ tục thành lập DN, nhưng trên thực tế, một số nhà đầu tư làm nhiều dự án khác nhau phải thành lập những DN riêng, sau đó sáp nhập thành một DN.

Do vậy, đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên áp dụng cả hai trường hợp: nhà đầu tư nước ngoài làm thủ tục đăng ký thành lập DN sau khi được cấp phép đầu tư;  nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập DN, sau đó thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam.

 3. Về việc bỏ quy định ngành nghề trong giấy phép kinh doanh, trừ những ngành kinh doanh có điều kiện, cần được bàn thảo để có cách tiếp cận sát với tình hình thực tế của đất nước.

Cũng như lập luận về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, việc bỏ quy định ngành nghề kinh doanh có tạo ra thuận lợi cho DN chân chính hay làm rối thêm quản lý nhà nước (?).

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, “ghi ngành nghề kinh doanh khi đăng ký DN có nhiều ưu điểm, nếu được thực hiện một cách nghiêm túc…”, nhưng lại kiến nghị, trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không ghi ngành nghề kinh doanh, cũng không để tự do lựa chọn ghi hoặc không ghi, mà cần có tuyên bố in sẵn: “DN có quyền kinh doanh trong tất cả các ngành nghề, trừ các ngành nghề mà pháp luật cấm theo Phụ lục I…”.

Cả hai phương án đều không phân biệt nguyên tắc chung về quyền kinh doanh của tất cả DN với việc quy định phạm vi được kinh doanh của từng DN là hai phạm trù khác nhau; từng DN có những hạn chế về năng lực hành nghề, vốn kinh doanh nên chỉ có thể hoạt động trong một số ngành nghề nhất định, trong khi việc quản lý vĩ mô của Nhà nước phải hướng dẫn bằng hành lang pháp lý để nhà đầu tư và DN kinh doanh theo định hướng phát triển của đất nước, bảo đảm tính cân đối ngành và lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân.

Do vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng, giữ lại việc đăng ký ngành nghề kinh doanh khi DN kinh doanh/đầu tư theo Hệ thống ngành kinh doanh Việt Nam năm 2007 là phương án khả thi hơn cả.

Đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, cần lưu ý hiện tượng có khá nhiều DN nhỏ đã được cấp phép, trong khi nước ta cần coi trọng hơn chất lượng FDI, nên cần dành cho DN trong nước dự án đầu tư và phạm vi kinh doanh mà họ có năng lực thực hiện bằng hoặc tốt hơn DN FDI. Do vậy, nếu không quy định minh bạch và công khai một số điều kiện thành lập DN FDI, mà áp dụng không ghi ngành nghề kinh doanh, không quy định vốn tối thiểu từng ngành, lĩnh vực, thì không biết điều gì sẽ xảy ra khi có biết bao nhiêu khách “du lịch ba lô” dễ dàng lập DN với vài chục triệu đồng vốn kinh doanh, bởi vì pháp luật không cấm (!).

Do đó, không thể không có quy định riêng đối với việc người nước ngoài lập DN tại Việt Nam với các thủ tục cần thiết để lựa chọn được nhà đầu tư chân chính, có đủ tiềm lực thực hiện các dự án ưu tiên theo định hướng thu hút FDI của nước ta.

Cần lưu ý rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (2005) chỉ có thể phát huy tác dụng nếu đồng thời sửa đổi, bổ sung một số luật khác có liên quan đến đầu tư và kinh doanh theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội là tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng lợi dụng sơ hở của luật pháp để làm ăn bất chính; cải cách nhanh hơn, đồng bộ hơn bộ máy công quyền, thủ tục hành chính và đặc biệt là con người trong bộ máy đó.

Tin liên quan
Tin khác