Dù đã triển khai xây dựng nhiều dự án, nhưng TP. Đà Nẵng vẫn “khát” nhà ở xã hội ảnh: hoàng anh |
Cần có cái tâm
Là một trong những nhà đầu tư tiên phong tham gia các dự án nhà ở xã hội, xây dựng nhiều dự án ở Đà Nẵng, TP.HCM, nhưng ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận xét: “Nhà ở xã hội là phân khúc rất khó khăn, lợi nhuận thấp, trong khi rủi ro lại rất cao”.
Nghị định số 49/2021/NĐ-CP đã quy định, các dự án phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế, quy hoạch tổng thể của nhiều địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc bố trí đất cho nhà ở xã hội.
Nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cần phải được ưu tiên, bởi đối tượng hướng đến là những người nghèo, người có thu nhập thấp, song ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, khó khăn lớn nhất và trước tiên trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội lại nằm ở quyết tâm của các cấp chính quyền.
Cụ thể, các địa phương phải xác định, đây là một trong những nhiệm vụ, trách nhiệm rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, không ít địa phương chưa chú trọng phát triển nhà ở xã hội, khiến người lao động khó khăn về chỗ ở. Các vị trí đất bố trí cho dự án nhà ở xã hội rất hiếm và thường ở xa trung tâm thành phố.
“Lực lượng lao động di chuyển đến đô thị chính là động lực phát triển của xã hội, nhưng chỉ khi được an cư lạc nghiệp, thì họ mới an tâm đóng góp cho xã hội. Đừng nghĩ rằng, dự án nhà ở xã hội thì phải đẩy đi xa. Đừng đẩy người nghèo ra khỏi trung tâm thành phố. Cần phải ưu tiên quỹ đất trung tâm để làm nhà ở xã hội; nơi nào thuận lợi, như khu công nghiệp, khu vực gần các trung tâm, tiện ích, mạng lưới giao thông, thì phải nghĩ đến việc bố trí, quy hoạch đất cho nhà ở xã hội. Để thực hiện được điều này, cần có cái tâm của lãnh đạo các địa phương”, ông Tuấn nêu ý kiến.
- Ông Đàm Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Một trong những lý do khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với phân khúc nhà ở xã hội là sự thay đổi chính sách quá nhanh, quá nhiều. Trong hơn 10 năm qua, chính sách về nhà ở xã hội thay đổi liên tục, có dự án trong quá trình thực hiện phải áp dụng “gối đầu” 3 nghị định về nhà ở xã hội, cả doanh nghiệp và chính quyền địa phương đều lúng túng.
“Quy trình làm nhà ở xã hội không khác nhà ở thương mại, nhưng còn phải qua thẩm định giá, xét duyệt đối tượng mua nhà. Trong khi đó, vốn vay cho dự án nhà ở xã hội hầu như không có, thủ tục kéo dài, không được ưu tiên tín dụng, lại khó thu hồi vốn, nên nhiều doanh nghiệp chọn đầu tư vào nhà ở thương mại, chứ không mặn mà với nhà ở xã hội”, ông Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, việc xét đối tượng mua nhà ở xã hội cũng rất khó khăn, các quy định về đối tượng không cụ thể, dẫn đến tình trạng cạnh tranh, những người thực sự có nhu cầu về chỗ ở rất khó tiếp cận. Để khắc phục tình trạng này, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, cần phân loại các đối tượng rõ ràng; các địa phương thực hiện quy hoạch đất cho nhà ở xã hội, thống kê số liệu và nhu cầu nhà ở xã hội để kêu gọi đầu tư các dự án trong phân khúc này.
Nhu cầu lớn
Giống như nhiều địa phương trên cả nước, tại các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, song nguồn cung... chẳng thấm vào đâu.
Đơn cử như TP. Đà Nẵng, dù đã triển khai đầu tư nhiều dự án, nhưng địa phương này luôn trong tình trạng “khát” nhà ở xã hội. Đà Nẵng hiện có 11.121 căn nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước. Trong đó, 9.990 căn hộ chung cư bố trí cho thuê; 258 căn hộ nhà ở công nhân Khu công nghiệp Hòa Cầm. Do quỹ căn hộ chung cư xã hội hạn chế, từ năm 2019, Đà Nẵng có chủ trương tạm dừng tiếp nhận đơn đề nghị thuê chung cư. Từ đó đến nay, việc cho thuê chung cư tạm dừng, trong khi đó, nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp không ngừng tăng lên.
Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động, Đà Nẵng đang tiến hành xây dựng nhiều dự án mới bằng nguồn ngân sách, như khu chung cư thu nhập thấp Tân Trà, khu chung cư phục vụ tái định cư các dự án khu vực cống thoát nước Khe Cạn (giai đoạn I); đầu tư chung cư nhà ở xã hội dành cho người có công với cách mạng tại quận Ngũ Hành Sơn với kinh phí hơn 400 tỷ đồng; kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn II (tổng vốn 490 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng có hàng ngàn căn nhà ở xã hội được xây dựng bằng vốn của nhà đầu tư. Hiện trên địa bàn Thành phố có 8 dự án đã và đang triển khai, với tổng số 6.573 căn hộ, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 3.432 căn hộ.
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư vào các dự án: Nhà ở xã hội Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 (1.224 tỷ đồng), Khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (612 tỷ đồng), Khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (979 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025, Đà Nẵng có chủ trương đầu tư xây dựng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội.
Mỗi một dự án nhà ở xã hội được triển khai, là người lao động, người có thu nhập thấp lại có thêm hy vọng an cư. Song nghịch lý là, các dự án nhà ở xã hội thường triển khai rất chậm.
Tại Quảng Nam, công trình nhà ở xã hội do Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng đầu tư trên khu đất 5,1 ha, gồm 200 căn với tổng diện tích sàn 13.728 m2 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên và duy nhất được đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại. Còn lại, các dự án khác đều trong tình trạng “án binh bất động”, như khu nhà ở thu nhập thấp của Công ty cổ phần Kỹ thuật châu Âu; khu nhà ở xã hội Vườn Đào, phường Điện Nam Bắc (thị xã Điện Bàn); 2 dự án khu nhà ở công nhân của Công ty Danatol tại xã Tam Hiệp (Núi Thành), hay dự án khu nhà ở thu nhập thấp tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc của Công ty STO.
Để khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, tỉnh Quảng Nam đã có chủ trương về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Theo đó, nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ 100% chi phí giải phóng mặt bằng; được sử dụng tối đa 20% quỹ đất ở của dự án theo quy hoạch chi tiết xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở dành cho người thu nhập thấp để làm nhà ở thương mại; được sử dụng tầng trệt đối với các chung cư từ 5 tầng trở lên để kinh doanh dịch vụ… Dù vậy, không có nhiều dự án nhà ở xã hội được đầu tư vì doanh nghiệp cho rằng, loại hình này sinh lợi thấp, lâu thu hồi vốn.
Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, theo Chương trình Phát triển nhà ở giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, thì đến năm 2020, địa phương này sẽ xây dựng 11.143 căn nhà, trong đó có 500 căn nhà ở xã hội và đến năm 2030 là 7.600 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng nhà ở được xây dựng mới chưa đạt kết quả mong đợi.
Được biết, tỉnh Quảng Ngãi đã đã bố trí quỹ đất khoảng 50 ha để phát triển dự án nhà ở xã hội tại các xã Tịnh Ấn Đông, Tịnh Ấn Tây, Tịnh Thiện và Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi). Ngoài ra, trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, đầu tư phát triển đô thị đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư có quy mô diện tích lớn hơn 10 ha tại các phường thuộc TP. Quảng Ngãi, đã bố trí quỹ đất nhà ở xã hội với diện tích 22,3 ha; Khu đô thị Phú Mỹ trích quỹ đất khoảng hơn 1,6 ha để xây dựng nhà ở xã hội… Những dự án này vẫn phải chờ hình thành trong tương lai.
Thế nên, nếu không có sự quan tâm bố trí quỹ đất, mời gọi và tạo cơ chế đầu tư, thì nhà ở xã hội sẽ vẫn là “miếng bánh kém hấp dẫn”, khó thu hút dòng vốn đầu tư. Và như vậy, cơ hội an cư sẽ tiếp tục là “giấc mơ dài” của những người lao động thu nhập thấp.
Nhiều địa phương mời gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội
Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, Thành phố đã kêu gọi đầu tư 4 dự án nhà ở xã hội theo Kế hoạch Phát triển nhà ở của Thành phố. 4 khu đất kêu gọi đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội là Khu đất B4-1, B4-2 Khu tái định cư Hòa Hiệp 4 (quận Liên Chiểu), diện tích 42.784 m2; Khu đất nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), diện tích 27.755 m2 (giai đoạn I đã đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; giai đoạn 2 kêu gọi đầu tư); Khu đất chung cư số 3 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (huyện Hòa Vang), diện tích 17.111 m2; Khu đất chung cư số 5 thuộc Khu B - Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ (huyện Hòa Vang), diện tích 29.375 m2.
Tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất XH6, thuộc Khu E - Khu đô thị mới An Vân Dương, quy mô diện tích khoảng 7,9 ha; tổng chi phí thực hiện Dự án khoảng 1.321 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có Dự án Nhà ở xã hội tại khu đất XH1, thuộc Khu B - Khu đô thị mới An Vân Dương, diện tích khoảng 18.551 m2, tổng mức đầu tư khoảng 920 tỷ đồng; Dự án Nhà ở xã hội tại Khu tái định cư Bàu Vá, diện tích khoảng 8.600 m2, vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng.