VAMA lo cho xe nhập khẩu
Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong bảo vệ và phát triển nền sản xuất ô tô trong nước thông qua việc ban hành Nghị định 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) và Thông tư 03/2018/TT-BGTVT (Thông tư 03), nhưng ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA, đồng thời cũng là Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam đã bày tỏ mối quan ngại của VAMA về Nghị định 116 khi cho rằng, nghị định này “chưa tuân thủ các quy định quốc tế cho nhập khẩu và sản xuất; hậu quả là từ đầu năm 2018 trở lại đây, quá ít ô tô được nhập khẩu vào Việt Nam”.
Vẫn theo Chủ tịch VAMA, một số quy định hành chính trong Nghị định 116 đã làm gián đoạn và hầu như ngưng toàn bộ hoạt động nhập khẩu ô tô từ tất cả các nước. Điều này sẽ làm thu hẹp việc mở rộng thị trường ô tô và với một số phân khúc ô tô có dung lượng nhỏ thì hoàn toàn không khả thi để tiến hành sản xuất trong nước.
Giới thiệu ô tô Audi tại Triển lãm VIMS 2017. Ảnh: Đ.T |
Đại diện VAMA cũng cho rằng, Nghị định 116 làm đội thêm nhiều chi phí và tăng thời gian thông quan đối với tất cả các nhà nhập khẩu ô tô, dẫn tới việc giá xe tăng cao và kéo dài thời gian chờ đợi của khách hàng.
Đã đầu tư 130 triệu USD tại Việt Nam và có 700 lao động trực tiếp trong dây chuyền sản xuất cùng 5.000 lao động gián tiếp trong hệ thống, ông Phạm Văn Dũng, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho hay, Công ty đang có vấn đề với xe nguyên chiếc nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Cụ thể, có 100 xe đã được đặt hàng từ tháng 6/2017, mà không dám chuyển về Việt Nam và đang phải nằm ở một cảng tại Hoa Kỳ với chi phí 1.000 USD/ngày cho kho bãi. “Đề nghị cho phép nhập khẩu lô xe này mà không phải thử nghiệm theo lô để giảm thiệt hại cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Hiện Ford Motor có 2 cơ sở sản xuất tại ASEAN, trong đó Ford Việt Nam sản xuất xe thể thao đa dụng cỡ nhỏ và xe thương mại, còn Ford Thái Lan sản xuất xe bán tải, xe thể thao đa dụng cỡ trung.
Trong khi đó, cũng là thành viên VAMA và hiện sản xuất, phân phối tới 9 thương hiệu ô tô, trong đó có Mazda và Fuso tới từ Nhật Bản; Kia của Hàn Quốc; Peugeot, Mini, BMW đến từ châu Âu, nhưng ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ô tô Trường Hải đã không ngại ngần cho hay, việc thiếu hụt xe hiện nay là do chiến lược, kế hoạch của một số nhà sản xuất, lắp ráp ô tô đang có tại Việt Nam đã chuyển một phần lắp ráp sang nhập khẩu xe nguyên chiếc từ năm 2017, mà nhập khẩu không được do chưa theo đúng quy định.
“Là Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam thì hãy quan tâm đến sản xuất, lắp ráp một cách hợp lý, nhưng tại hội nghị này lại chỉ nói về nhập khẩu”, ông Dương nói.
Không buông sản xuất
Cho rằng Việt Nam cũng cần có bước đi riêng của mình trong quá trình hội nhập sâu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu ô tô vào, thì Việt Nam cũng cần đảm bảo nền sản xuất tự chủ.
Trên thực tế, Nghị định 116 ra đời là nhằm đảm bảo 4 mục tiêu, gồm: môi trường; quyền lợi người tiêu dùng; an toàn giao thông; đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu với nhau, giữa doanh nghiệp nhập khẩu với sản xuất, lắp ráp trong nước và giữa các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Cũng ủng hộ mạnh mẽ định hướng của Chính phủ trong phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho rằng, việc mở rộng thị trường ô tô là tiền đề để xây dựng công nghiệp ô tô trong nước, thu hút đầu tư, cải thiện cạnh tranh và cần thiết lập chính sách phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước khi ngành này còn non trẻ.
Kể lại thực tế của doanh nghiệp, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Tập đoàn Thành Công cho hay, xuất phát điểm của Thành Công vốn nhập khẩu xe nguyên chiếc. Ba năm trước, xe nhập khẩu chiếm 80%, còn lắp ráp trong nước chỉ là 20%. Tuy nhiên, hướng theo chiến lược của Chính phủ, doanh nghiệp đã đàm phán với Hyundai và chuyển dịch cơ cấu. Hiện sản xuất trong nước chiếm 80% và nhập khẩu chỉ còn 20%. Mục tiêu sắp tới của Thành Công là nâng sản lượng lắp ráp tại Việt Nam lên 95%.
“Nếu không có sản xuất ô tô tại Việt Nam thì những năm tiếp theo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ”, ông Đức nói và cho biết thêm, Malaysia hiện duy trì hạn ngạch cấp cho xe nhập khẩu. Cụ thể, lượng xe nhập khẩu chỉ là 10% tổng lượng xe tiêu thụ năm liền kề để dành cơ hội cho sản xuất trong nước.
Cùng quan điểm này, ông Trần Bá Dương cho rằng, Trường Hải không xin sự bảo hộ, ưu đãi, mà xin đúng như chiến lược phát triển ngành ô tô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005 và cập nhật lại trong năm 2014. Cũng trên cơ sở chiến lược và định hướng đó, doanh nghiệp đã đầu tư khá lớn và các đối tác nước ngoài đi cùng cũng rất tin tưởng đầu tư.
“Phải ủng hộ sản xuất trong nước hợp lý. Nước Mỹ lớn mạnh thế cũng vẫn ủng hộ sản xuất trong nước. Việt Nam, với quy mô tiến tới 100 triệu dân, thì sản xuất trong nước trong nước là cần thiết”, ông Dương nói.