Lê Hồng Hải Nhân biết đến khái niệm “start-up” vào năm 2008, khi còn là sinh viên năm 3, Khoa Kỹ thuật Phần mềm, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau khi hoàn thành sớm chương trình hệ kỹ sư 5 năm, Nhân vào thực tập tại 1 công ty phần mềm nổi tiếng của Việt Nam.
Sau 2 tháng thực tập, dần nhận ra mình không phù hợp với công việc và rơi vào tình trạng chán nản. Đúng lúc này, Nhân bắt đầu dấn thân vào hành trình khởi nghiệp.
Trước khi thành lập GEEK Up, Nhân từng thất bại với các dự án khởi nghiệp như thế nào?
Khi Nhân thực tập và chán nản thì tình cờ gặp 1 người anh là nhà sáng lập của 1 start-up. Anh ấy đã khai sáng cho Nhân là ngoài lựa chọn làm cho 1 công ty phần mềm làm, thì Nhân còn lựa chọn khác là làm cho “tech start-up”.
Nhân lần đầu tiên được chia sẻ về start-up, về tech start-up và mê tít, dấn thân ngay lập tức. Đó là start-up đầu tiên Nhân tham gia, với vai trò là thành viên chính, nằm trong trong đội ngũ 5 thành viên đầu tiên. Start-up này cung cấp nền tảng và giải pháp thanh toán trực tuyến.
Bây giờ chúng ta có Viettel Pay, MoMo, ZaloPay…, nhưng ở thời điểm đó (2008 - 2009) thì sân chơi này hoàn toàn mới. Là 1 trong những thành viên đầu tiên nên Nhân cái gì cũng làm: hệ thống BI (business intelligence), cổng thanh toán (payment gateway), hệ thống top-up và bán thẻ cào… Đội ngũ mình ra mắt được hệ thống nhưng thất bại trong việc phát triển kinh doanh nên thất bại sau hơn 1 năm thành lập.
Start-up thứ 2 Nhân tham gia là một startup về phân phối đồ chơi dành cho trẻ em. Đây là một ý tưởng rất nhân văn và tâm huyết của anh sáng lập.
Trẻ con hình thành nhân cách và trí thông minh từ rất sớm. Việc có những món đồ chơi phù hợp sẽ giúp ích rất nhiều cho sự trưởng thành của trẻ nhỏ,và ngược lại, việc chơi những món đồ chơi độc hại sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy sau này.
Nhân là một trong 5 thành viên đầu tiên của start-up luôn, phụ trách công nghệ. Nói phụ trách công nghệ vậy thôi chứ có mỗi 1 mình Nhân và lúc đó thì công nghệ là trang web bán hàng. Nhân tham gia start-up này được được tầm 6 tháng thì dừng lại.
Lúc đó công nghệ không phải là ưu tiên lớn nhất của công ty mà Nhân thì ngoài công nghệ ra chẳng làm được gì khác. Bài học rút ra là hễ đã tham gia vào startup thì cái gì cũng phải sẵn sàng làm, không làm ít thì làm nhiều, còn nếu không thì sẽ khó để tạo ra giá trị và tiến xa được.
Mặc dù chỉ gắn bó trong thời gian ngắn, Nhân cũng đã có nhiều trải nghiệm hay ho. Và anh em vẫn rất gắn bó với nhau và còn giữ kết nối cho tới hiện tại.
Lê Hồng Hải Nhân, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành GEEK Up. (Ảnh: NVCC). |
Start-up thứ 3 do Nhân khởi xướng với vai trò nhà sáng lập, có tên là LinkTo. Đây là nền tảng thương mại điện tử mô hình B2B2C, hướng tới đối tượng là doanh nghiệp siêu nhỏ và kinh doanh cá thể.
Sứ mệnh thì được lấy cảm hứng từ Alibaba, giúp xóa bỏ khoảng cách về công nghệ cho những đối tượng kinh doanh có điều kiện tiếp cận công nghệ thấp. Mô hình của LinkTo khá giống với Shopify và Haravan.
LinkTo chưa kịp ra mắt, chỉ mới thai nghén được 6 tháng thì Nhân “đóng cửa”. Lý do là tự Nhân nhận thấy mình không có cơ hội thành công sau khi nói chuyện với một người anh làm việc tại Viettel, anh đảm nhận phụ trách dự án tương tự mà Viettel đang muốn triển khai.
Thế là Nhân hiểu ra, thị trường còn trống, chưa ai làm thì không có nghĩa là mình sẽ làm được và thành công. Nếu đội ngũ không có năng lực để tạo ra sự khác biệt thì cũng sẽ không có cơ hội. Vậy nên Nhân quyết định dừng sớm.
Start-up thứ 4 là Niche Café, một quán cà phê làm việc dành cho giới trẻ. Đây là start-up mà Nhân đầu tư nhiều nhất so với 3 start-up trước đó. Bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và tình cảm.
Lúc đó Nhân (là nhà sáng lập) và các bạn trong đội ngũ sáng lập là những người bạn, người anh em của nhau trước đó. Mọi người rất tin tưởng và đồng lòng với nhau. Có lẽ vì vậy nên Niche Café sớm đạt được những thành công bước đầu.
Năm 2011, Niche Café gần như là quán cafe đầu tiên phục vụ cho nhu cầu làm việc ở TP.HCM có phòng họp cho thuê, có không gian để tổ chức sự kiện, có không gian để học nhóm, học bài cá nhân… Niche Café thường xuyên đông khách, và trở thành địa điểm họp mặt định kỳ của rất nhiều tổ chức, câu lạc bộ, cộng động khởi nghiệp: Webtretho, Barcamp Saigon, AIESEC…
Tuy nhiên, sau 1 năm thì đội ngũ đi vào bế tắc vì việc duy trì tiêu tốn gần như toàn bộ sức lực của đội ngũ, còn việc phát triển tiếp thế nào thì lại rất mù mờ. Cuối cùng, đội ngũ đành phải ngậm ngùi dừng lại.
Bài học rút ra là một start-up để có cơ hội thành công thì phải đủ giỏi trong tất cả các mặt để tồn tại và phải xuất sắc trong 1 mặt nào đó để tạo ra sự khác biệt.
Hải Nhân khi chia sẻ các thông tin về hành trình khởi nghiệp. (Ảnh: NVCC). |
Vì sao đã thất bại nhiều lần mà Nhân vẫn tiếp tục startup với GEEK Up?
Sau mỗi lần thất bại như vậy thì Nhân đều tổn thương và đau đớn. Tự hứa với mình là thôi vậy đủ rồi, không khởi nghiệp nữa. Nhưng mà có vẻ là Nhân hứa vậy vì chưa hiểu bản thân mình. Một thời gian ngắn sau đó, sau khi trái tim lành lặn lại chút thì nhiệt huyết lại nổi lên và Nhân lại khởi nghiệp tiếp.
Giờ nhìn lại, Nhân nghĩ động lực bản thân mình khởi nghiệp không phải vì theo đuổi tiếng gọi của 1 sứ mệnh cao cả như giải cứu hay thay đổi thế giới, hay vì muốn trở thành 1 người thành công, giàu có, nổi tiếng hay để chứng tỏ bản thân như được làm chủ, được quyết định, được tự do...
Động lực khởi nghiệp của Nhân phần nhiều đến tự mong đợi một công việc mà mình có thể dành trọn tâm huyết cho nó. Nhân luôn tò mò về cuộc sống, luôn muốn hiểu thêm về bản thân và thế giới.
Việc sống và làm việc 1 cách hết mình, chiến đấu vì một điều gì đó giúp Nhân thỏa mãn được sự tò mò của mình và cảm nhận về cuộc sống một cách sinh động và thú vị.
Nên Nhân khởi nghiệp vì tinh thần khởi nghiệp chứ không phải là mô hình khởi nghiệp. Như GEEK Up bây giờ, đã trải qua 8 năm với gần 100 thành viên, mặc dù mô hình đã tương đối ổn định, đã qua giai đoạn “khởi nghiệp”, nhưng tinh thần khởi nghiệp thì thể hiện rõ trong mỗi thành viên.
Chắc vì vậy, nên các start-up trước Nhân chỉ gắn bó dưới 1 năm, còn GEEK Up thì đã gắn bó tới năm thứ 8. Hơn 16 ngàn giờ làm việc và tiếp tục làm việc với nỗ lực và đam mê.
Từ đội ngũ 10 người trẻ cùng chung chí hướng, sau 8 năm thành lập và gần 100 thành viên, GEEK Up đã xây dựng khoảng 400 sản phẩm số (digital product) cho các doanh nghiệp như Funding Societies (Indonesia), Waitrr và Hmlet (Singapore), ELSA, TicketBox, The Coffee House… |
Những thất bại đó giúp ích như thế nào cho Nhân trong quá trình thành lập và phát triển GEEK Up?
Thứ nhất là Nhân đã học được rất nhiều bài học qua những start-up mà mình tham gia. Thứ hai là Nhân có trải nghiệm nên có thể thấu hiểu start-up, giúp Nhân làm việc tốt hơn với khách hàng của GEEK Up là start-up.
Về điểm thứ nhất, Nhân nghĩ, tri thức thì người ta có thể tiếp nhận được qua trường lớp, sách vở, Internet nhưng trí tuệ thì chỉ có thể hấp thụ được từ thực tế cuộc sống, từ thất bại, từ thành công…
Về điểm thứ hai, start-up và doanh nghiệp (Corporate) rất khác nhau về cách hoạt động, cách ra quyết định, văn hóa khác nhau, mức độ ưu tiên cũng khác nhau. Vì từng trải qua thời gian khởi nghiệp, Nhân có thể hiểu được sự khác biệt đó, qua đó biết được cách mà GEEK Up có thể hợp tác hiệu quả với start-up.
Đội đội ngũ sáng lập, nòng cốt của GEEK Up có những ai?
Đội ngũ sáng lập của GEEK Up toàn bộ đều là dân “làm product” (làm sản phẩm số - PV), đều có kinh nghiệm và trải nghiệm về việc xây dựng sản phẩm số ở các công ty khác nhau. Ở thời điểm đó, cái mà mọi người thiếu đó chính là một môi trường mà mọi người có thể cùng nhau thể hiện sự đam mê và nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm số.
Chúng tôi đều đã quen nhau, đã chơi chung với nhau trước đó, vì vậy, mọi người đều có sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Điểm này rất quan trọng, vì thời gian đầu thành lập công ty có rất nhiều khó khăn và mâu thuẫn mà mọi người phải cùng nhau vượt qua.
Ngoài công việc, đội ngũ sáng lập của GEEK Up có 4 điểm chung là mọi người đều tò mò, tích tìm hiểu cái này cái kia. Mọi người đều thích phiêu lưu, thích One Piece, thích Game of Thrones. Mọi người đều thích tìm hiểu và chia sẻ các kiến thức khác nhau trong cuộc sống. Và mọi người đều thích ăn ngon, có thể dành nhiều thời gian và nỗ lực để được ăn ngon.
Đội ngũ GEEK Up thường xuyên tổ chức các buổi chia sẻ về quá trình trở thành đơn vị xây dựng sản phẩm số cho các đối tác (Ảnh chụp trước khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam). |
Bằng cách nào để xây dựng đội ngũ gắn bó với nhau như vậy?
Tới thời điểm hiện tại, GEEK Up vẫn theo đuổi sứ mệnh mà theo đuổi từ ngày đầu mang lại giá trị cho doanh nghiệp, cho người dùng thông qua những sản phẩm số tạo nên thay đổi đột phá cho doanh nghiệp và mang đến giá trị cho người sử dụng (Impactful Product).
Thành viên lựa chọn GEEK Up là vì muốn cùng chia sẻ sứ mệnh và những giá trị mà GEEK Up theo đuổi thay vì tiền bạc, sự nổi tiếng hay quyền lực.
Ngoài ra, GEEK Up tổ chức theo mô hình Flat (mô hình phẳng), nghĩa là trong một nhóm không có ai là sếp của ai, mọi người sẽ cùng cộng tác dựa trên nền tảng tôn trọng và phát huy thế mạnh của nhau.
Điều này khiến có các thành viên trong tổ chức có cơ hội phát huy tối đa năng lực của mình nhưng đồng thời vẫn được thể hiện bản thân mình một cách chân thật. Thành viên của GEEK Up hình thành các mối quan hệ lành mạnh chứ không phải kiểu bằng mặt nhưng không bằng lòng với nhau.
Và về văn hóa, từ những ngày đầu, những thành viên đầu tiên của GEEK Up đều rất ý thức được chuyện, để đi xa cùng nhau thì mọi người phải hợp nhau ở 1 mức độ nhất định, không chỉ trong công việc mà cả ngoài công việc. Mỗi người đều có tính cách khác nhau, nền tảng khác nhau, nhân sinh quan khác nhau, nên ai cũng phải chấp nhận chuyện điều chỉnh hành vi của mình 1 chút.
Một hành vi nào đó mà đội ngũ thấy hay ho, thì sẽ cùng nhau ghi nhận và khuyến khích. Hành vi nào mà đội ngũ thấy không hay ho thì sẽ nhắc nhở nhau để hạn chế dần. Mỗi thành viên đều góp phần trong việc khuyến khích và hạn chế này.
Sự đồng lòng và kiên trì đó đã tạo ra văn hóa sinh động, nhiều màu sắc mà ở đó mọi người gắn kết và tương tác với nhau rất nhiều.