Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây Ảnh: Phạm Hoàng |
Nháo nhác vì giá thép lên
Theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, Ban Quản lý dự án 7 (PMU7) đã phải gửi liên tiếp 2 công văn báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) về tình trạng giá thép tăng phi mã, có thể ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án do đơn vị này quản lý.
Nỗi lo lắng của PMU7 là có cơ sở, bởi đơn vị này đang được Bộ GTVT giao làm đại diện chủ đầu tư 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2) đều có nhu cầu sử dụng thép xây dựng rất lớn. Trong đó, tại các gói thầu xây dựng cầu chính và cầu dẫn cầu Mỹ Thuận 2, tỷ trọng thép chiếm 22,3 - 36,25% chi phí xây dựng.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc PMU7 cho biết, gần đây, đơn vị này liên tục nhận được phản ánh của nhà thầu về giá vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt, giá thép xây dựng tăng đột biến, nhất là trong tháng 4 và đầu tháng 5/2021. Điều này khiến các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có thể đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản nếu không có giải pháp tháo gỡ.
Cụ thể, giá thép xây dựng đường kính lớn hơn 18 mm, theo công bố của tỉnh Tiền Giang vào cuối tháng 12/2020 là 14.500 đồng/kg; của Vĩnh Long là 14.600 đồng/kg; của Bình Thuận là 14.200 đồng/kg, thì đến nay, theo thông báo của các nhà sản xuất thép lớn như Hòa Phát, VinaKyoei, bình quân là 19.300 đồng/kg, chênh lệch tăng khoảng 35%.
“Qua rà soát các dự án mà PMU7 đang quản lý, trường hợp giá thép vẫn giữ ở mức tăng như hiện nay, sẽ có 2 dự án và 8 hợp đồng thi công xây dựng bị ảnh hưởng lớn. Trong đó, Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 bị đội giá thêm khoảng 135 tỷ đồng; Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết phát sinh khoảng 220 tỷ đồng”, lãnh đạo PMU7 thông tin.
Đại diện PMU7 nhấn mạnh, dù mức tăng giá thép hiện nay chưa làm tăng tổng mức đầu tư các dự án, do vẫn nằm trong chi phí dự phòng, nhưng nếu không có giải pháp kiểm soát, kìm hãm đà tăng của giá thép, thì nguy cơ vượt dự phòng, tăng tổng mức đầu tư, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án là điều không tránh khỏi.
Cần phải nói thêm rằng, PMU7 không phải đại diện chủ đầu tư duy nhất có công trình chịu tác động do biến động giá thép. Lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình (Bộ GTVT) xác nhận, giá thép tăng tác động tới tất cả dự án hạ tầng giao thông lớn, đặc biệt là các dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang triển khai.
Tại Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 do Ban Quản lý dự án Thăng Long phụ trách, giá thép mà các nhà thầu đang mua thực tế đã lên tới 18.600 đồng/kg, trong khi theo dự toán được phê duyệt, giá thép chỉ khoảng 11.600 đồng/kg. Tính toán sơ bộ, với mặt bằng giá thép hiện nay, Dự án có thể bị tăng giá trị dự toán khoảng 572 tỷ đồng. Điều này rất nguy hiểm, bởi tổng chi phí dự phòng các gói thầu xây lắp tại Dự án chỉ khoảng 726,69 tỷ đồng, trong khi cùng với giá thép, hàng loạt vật tư, vật liệu thiết yếu khác như cát, đá, đất đắp, xi măng, nhiên liệu… đều đã tăng khoảng 20% so với thời điểm khởi công (tháng 9/2020).
Nhà thầu “mất máu”
Nếu như các chủ đầu tư lo nguy cơ vỡ tiến độ, đội vốn do chi phí đầu vào tăng, thì các nhà thầu thi công tại các dự án hạ tầng giao thông còn lo gấp bội, bởi họ là đối tượng chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất khi giá thép tăng phi mã, nằm ngoài mọi tính toán của họ khi nhận thầu công trình.
Theo Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - nhà thầu đứng đầu liên danh tại 3 gói thầu lớn nhất thuộc 3 dự án đầu tư công cao tốc Bắc - Nam (Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Mai Sơn - Quốc lộ 45), tổng khối lượng thép để phục vụ thi công các gói thầu này lên tới 58.316 tấn.
“Giá thép thời điểm ký hợp đồng 3 gói thầu dao động từ 11.300 - 12.120 đồng/kg. Song giá thép trung bình tháng 5/2021 được các nhà cung cấp báo khoảng 17.395 đồng/kg. Với tốc độ tăng giá thép chóng mặt như hiện nay, chúng tôi ước tính, giá trị bù lỗ của các nhà thầu tại 3 gói thầu này khoảng hơn 337 tỷ đồng”, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Vinaconex thông tin.
Mặc dù các hợp đồng xây lắp tại 8 dự án thành phần xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn ngân sách nhà nước đều là loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, nhưng theo quy định tại Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thì việc quản lý giá, chỉ số giá vật liệu đã được giao UBND cấp tỉnh công bố hoặc phân cấp, ủy quyền cho sở xây dựng công bố.
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều nhà thầu, Chỉ số Giá xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố vừa chậm, vừa không phản ánh chính xác biến động giá của từng loạt vật liệu, đặc biệt là thép, xi măng thường có biên độ biến động lớn.
“Tại khu vực Thanh Hóa, Chỉ số Giá xây dựng được công bố theo quý và hiện mới chỉ có Chỉ số Giá xây dựng quý III/2020, trong khi giá các loại vật tư thì biến động theo tuần, thậm chí theo ngày”, đại diện Công ty Phương Thành - đơn vị thi công Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho biết.
Tại các gói thầu thuộc Dự án Cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công, các chủ đầu tư đã có sự chia sẻ với nhà thầu khi cho phép điều chỉnh giá các loại vật liệu đầu vào theo chỉ số giá. Nhưng theo phần lớn các nhà thầu, phương pháp này chỉ phù hợp trong điều kiện giá vật tư, vật liệu nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Còn với tình trạng tăng giá thép phi mã như hiện nay, các chủ đầu tư cần thay đổi phương pháp điều chỉnh giá từ phương pháp chỉ số giá sang phương pháp bù giá trực tiếp để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu.
“Nếu không được bù trực tiếp, giá thép tăng cao như hiện nay sẽ sớm làm các nhà thầu ‘mất máu’, phá sản trước khi có thể hoàn thành tiến độ công trình như kế hoạch đề ra”, ông Phạm Văn Khôi, Tổng giám đốc Công ty Phương Thành đánh giá.