Nhẵn mặt… thắng thầu
Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (BIWASE), chủ đầu tư Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An (tỉnh Bình Dương) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu BDAF - 07 xây dựng tuyến ống thu gom nước thải cấp 1, 2 và trạm bơm nâng (lưu vực Rạch Cái Cầu).
Theo đó, liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đầu tư Tư vấn và Xây dựng Thép Mới - Tổng công ty Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) trúng thầu với giá hơn 472 tỷ đồng và hợp đồng thực hiện theo đơn giá điều chỉnh với thời gian 15 tháng. So với giá gói thầu 475,1 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu chỉ là 0,62%, mặc dù đây là gói thầu được đấu thầu rộng rãi.
Tại lễ mở thầu, thiết bị máy móc không thể phân biệt được đâu là nhà thầu thân hữu. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Theo thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong số 4 nhà thầu tham gia, có 2 nhà thầu không đạt điểm kỹ thuật (liên danh Sông Đà 9 - VIC và Công ty cổ phần Xây dựng số 5) và tới vòng chấm tài chính, liên danh Thép Mới - VIWASEEN đã vượt qua liên danh nhà thầu Công ty TNHH Đại Phú Thịnh với một nhà thầu Hàn Quốc do có giá chào thấp hơn. Cần phải nhắc lại rằng, đây là gói thầu thứ 2 nhà thầu Thép Mới trúng tại các dự án do BIWASE làm chủ đầu tư, bởi trước đó, nhà thầu này liên danh với Công ty cổ phần Xây dựng số 5 đã trúng thầu gói thầu xây dựng nhà máy xử lý, các trạm bơm và lắp đặt thiết bị, hệ thống điện phụ trợ, điện chiếu sáng Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên (tỉnh Bình Dương).
Người thắng, kẻ thua tại cuộc thầu BDAF-07 không hẳn là đối thủ của nhau tại sân thầu BIWASE, nếu không muốn nói là các gương mặt này đã trở thành “thân hữu” khi lần lượt thay nhau thắng các gói có giá thầu lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Đơn cử, ngoài gói thầu nêu trên, nhà thầu Công ty cổ phần Xây dựng số 5 từng trúng 3 gói thầu khác do BIWASE làm chủ đầu tư trong tư cách độc lập, với tổng giá trúng thầu trên 1.316 tỷ đồng. Cụ thể, 2 gói thầu thuộc Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An bao gồm gói BDAF - 08, gói BDAF- 06 và gói thầu số 3A thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên.
Còn về nhà thầu Công ty TNHH Đại Phú Thịnh, mặc dù trượt thầu gói BDAF - 07, song “gương mặt thân quen” này cũng từng trúng 2 gói thầu thuộc Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An - Thuận An - Tân Uyên của BIWASE.
Theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, thời gian vừa qua, kịch bản 1 nhà thầu (hoặc 1 nhóm nhà thầu) luân phiên trúng nhiều gói thầu của một chủ đầu tư diễn ra khá phổ biến và xảy ra ở nhiều địa phương.
Có thể điểm lại như liên danh Công ty TNHH Bá Sanh Đường - Công ty TNHH Xây dựng Thuận Đức trúng nhiều gói thầu tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Vừa qua, liên danh này trúng thầu gói thầu xây lắp 01 - XL Dự án Đường kết nối giữa Quốc lộ 1 cũ và Quốc lộ 1 mới, tại Km 1145 + 540 trên địa bàn thị trấn Bồng Sơn do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Hoài Nhơn làm chủ đầu tư. Theo đó, giá trúng thầu 124,9 tỷ đồng, tỷ lệ giảm thầu siêu thấp (0,01%) so với giá gói thầu. Nhà thầu Bá Sanh Đường còn trúng 2 gói thầu xây lắp thuộc cùng một dự án của chủ đầu tư trên là gói thầu 04 - XL và gói thầu 05 - XL thuộc Dự án Khu tái định cư vùng thiên tai Bàu Rong, thị trấn Bồng Sơn.
Hy hữu hơn là câu chuyện chỉ định thầu được Thanh tra TP. Đà Nẵng phát hiện. Đó là, tại Dự án Xây dựng hạ tầng Khu tái định cư Hòa Liên 3, Hòa Liên 4 (giai đoạn 1 và 2) khi Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng - Xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng (bên mời thầu) đã chỉ định thầu 5 gói thầu tư vấn giám sát thi công xây dựng, tư vấn lựa chọn nhà thầu, với tổng giá trị là hơn 3,42 tỷ đồng cho Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Thuận Anh. Chỉ có điều, Tổng giám đốc của bên chỉ định thầu là cha ruột người đứng đầu đơn vị được chỉ định thầu.
Theo Luật Đấu thầu, đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Dấu hỏi về tính cạnh tranh
Đánh giá về hiện tượng nêu trên, chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải cho rằng, đây không phải chuyện hiếm gặp trong hoạt động đấu thầu. Có hai cách để lý giải hiện tượng một hoặc một nhóm nhà thầu thường xuyên trúng thầu tại những cuộc thầu do cùng một đơn vị làm chủ đầu tư là do các nhà thầu này có năng lực vượt trội, hoặc do tính chất chuyên biệt cao của gói thầu mà chỉ có số lượng rất hữu hạn nhà thầu đáp ứng được yêu cầu.
Tong khi đó, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư, điều rất đáng quan ngại là, hiện tượng nhà thầu (hoặc nhóm nhà thầu) “thân hữu” thường xuyên và luân phiên trúng thầu các dự án của một chủ đầu tư lại diễn ra ở các gói thầu xây lắp thông thường và hoàn toàn không có tính chất chuyên biệt. Điều đáng ngại hơn là, tại các gói thầu đó, kết quả trúng thầu thường có tỷ lệ giảm thầu siêu nhỏ. Hiện tượng trên khiến nhiều nhà thầu không khỏi nghi ngại về tính cạnh tranh, minh bạch tại các cuộc thầu này.
Một nhà thầu xây lắp từng thắng thầu các gói thầu lớn tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương đã ngao ngán chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, chỉ cần nhìn hồ sơ mời thầu và tên chủ đầu tư, ông có thể gọi ra tên nhà thầu sẽ thắng cuộc.
Theo chuyên gia Phạm Đại Hải, để khắc phục hiện tượng này, cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cần tăng cường thanh, kiểm tra để đảm bảo các cuộc thầu được tiến hành đúng pháp luật. Đặc biệt, phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ năng lực cũng như việc tuân thủ pháp luật của chủ đầu tư, bên mời thầu, tư vấn đấu thầu và khi phát hiện sai phạm, phải có chế tài thật nghiêm khắc. Khâu làm rõ hồ sơ dự thầu cần được quy định cụ thể hơn để ngăn ngừa hành vi lạm dụng, gây khó khăn làm nản chí… các nhà thầu không “thân hữu”.