Ban quản lý dự án đường sắt, Tổng thầu EPC Trung Quốc, các đơn vị thầu phụ cùng ký cam kết vận hành thử, đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị Cát linh – Hà Đông vào 31/12/2016. |
Mục tiêu đầy thách thức này được các bên cam kết trước lãnh đạo Bộ GTVT tại lễ ra quân và phát động thi đua hoàn thành Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông được tổ chức vào sáng nay (mùng 6 Tết Bính Thân).
Đây cũng là công trình hạ tầng đầu tiên tại Thủ đô trở lại nhịp độ thi công bình thường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán.
Theo bản giao ước thi đua vừa được ký kết, Tổng thầu EPC sẽ phải huy động tài chính, thiết bị để cơ bản hoàn thành hạng mục xây lắp và tiến hành lắp đặt, căn chỉnh hệ thống cơ, điện, thiết bị tại các ga: La Thành, Thái Hà, Lán, Vành đai 3, Bến xe Hà Đông, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Bến xe Yên Nghĩa trước ngày 22/7/2016. Các ga còn lại, gồm: Cát Linh sẽ phải hoàn thành trước 15/9/2016; ga Đại học Quốc gia hoàn thành trước 18/5/2016; Thanh Xuân 3 hoàn thành trước 12/6/2016.
Đối với các công trình trên tuyến tiến độ hoàn thành cũng sẽ được đẩy sớm hơn, trong đó dầm liên tục đổ tại chỗ hoàn thành trước 20/6/2016; vận chuyển và lao lắp dầm hộp hoàn thành trước 20/4/2016; rải ray hoàn thành toàn bộ trước ngày 19/8/2016; mua sắm, lắp đặt hệ thống thiết bị hoàn thành trước ngày 30/9/2016.
“So với khối lượng công việc đã hoàn thành, mục tiêu này thực sự là một thử thách rất lớn nhưng chúng tôi quyết tâm hoàn thành công trình vào cuối năm nay với chất lượng cao nhất đúng như cam kết với Chính phủ, Bộ GTVT cũng như với nhân dân Thủ đô”, ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt khẳng định.
Ông Thành cho biết là chủ đầu tư luôn tạo điều kiện, giải quyết kịp thời các vướng mắc (nếu có) để giải ngân khối lượng đề nghị thanh toán của Tổng thầu. Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã hoàn thành giải ngân đợt 26 cho các đơn vị thi công với tổng giá trị thực hiện ước đạt 222 triệu USD.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011,có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu.
Toàn tuyến đường sắt dài 13 km chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông).