Đầu tư Phát triển bền vững
Nhận chìm hàng triệu khối chất nạo vét ngoài biển tỉnh Thừa Thiên Huế: Không thể xem thường những lo ngại
Lê Nguyễn - Linh Đan - 25/04/2023 08:27
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển với sức chứa 6,8 triệu mét khối. Kế hoạch này khiến người dân 6 xã, thị trấn trong vùng ảnh hưởng lo ngại, nhất là khi họ không được tham gia ý kiến.
Tàu thuyền nạo vét, khơi thông luồng lạch ở vịnh Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).

Người dân vùng biển bất ngờ, lo lắng

Theo Quyết định số 622/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế”, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương ký ngày 23/3/2023, khu vực nhận chìm chất nạo vét thuộc vùng biển xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), với tổng diện tích 800 ha, trong đó phân làm 2 khu vực, mỗi khu vực có diện tích 400 ha.

Cụ thể, khu vực 1 nhận chìm chất nạo vét ngoài biển có độ sâu từ 29 m đến 34 m tính từ mức “0” hệ cao độ quốc gia và cách bờ biển 9,64 km. Khu vực 2 cách bờ 10,05 km và có độ sâu từ 30 m đến 35 m tính từ mức “0” hệ cao độ quốc gia. Hai khu vực có sức chứa 6,8 triệu m3, trong đó, mỗi khu vực có sức chứa 3,4 triệu m3; tổng sức chứa tối đa của mỗi khu vực có thể tiếp nhận khoảng 10 triệu m3; khối lượng nhận chìm tối đa trong một ngày là 14.400 m3, thiết bị vận chuyển chất nạo vét là sà lan có trọng tải tối đa khoảng 2.000 tấn.

Liên quan việc người dân vùng biển của 6 xã, thị trấn liên quan khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển tỉnh Thừa Thiên Huế không được tổ chức tham vấn ý kiến, đại diện Phòng Biển, Đảo, Đầm phá và Biến đổi khí hậu giải thích, họ có mời nhiều trưởng thôn trong 6 xã, thị trấn liên quan tham dự Hội thảo Góp ý Dự thảo báo cáo nhiệm vụ điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế, diễn ra chiều ngày 31/1/2023.

Đại diện đơn vị này nói rằng, ý kiến đóng góp của các trưởng thôn cũng chính là ý kiến của “cộng đồng dân cư” (!?).

Đáng chú ý, có đến 6 xã, thị trấn vùng biển của huyện Phú Lộc được đánh giá nằm trong phạm vi ảnh hưởng của khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển, gồm thị trấn Lăng Cô, các xã Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Vinh Hiền, Giang Hải và Vinh Mỹ. Theo quyết định của tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian tiến hành nhận chìm phù hợp nhất từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Tuy vậy, đây lại chính là quãng thời gian “vàng” của các hoạt động đánh bắt thủy sản, hải sản của hàng ngàn ngư dân thuộc 6 địa phương nêu trên. Đáng nói là, đa số ngư dân 6 địa phương này lại không hay biết về kế hoạch nhấn chìm hàng triệu mét khối chất nạo vét ngay trên ngư trường truyền thống mà họ đánh bắt.

Ông Nguyễn Quang Khải, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá xa bờ xã Vinh Hiền tỏ ra bất ngờ và lo lắng trước thông tin nhận chìm chất nạo vét ngoài biển. Ông Khải cho biết, với ngư dân Vinh Hiền cũng như các xã lân cận, cách bờ khoảng 9 -10 km là ngư trường truyền thống của ngư dân. Hàng ngày có hàng trăm thuyền đánh bắt cá ở ngư trường này.

“Những năm gần đây, ngư trường cách bờ khoảng 10 km có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước làm nước biển đục. Mỗi lúc như vậy, ngư dân thất thu vì khó đánh bắt hải sản. Chúng tôi chưa kịp kiến nghị với cơ quan chức năng kiểm tra xử lý hiện tượng này, thì nay nghe tin hàng triệu mét khối chất nạo vét đổ xuống trong vùng này nữa, nên rất lo lắng. Một việc hệ trọng như thế, chúng tôi lại không biết, không được tham gia ý kiến. Rất mong lãnh đạo tỉnh, các cấp, các ngành cẩn trọng khi thực hiện việc đổ chất nạo vét”, ông Khải nói.

Còn ông Nguyễn Xuân Đàn, một “lão ngư” ở thôn Bình An 2 (xã Lộc Vĩnh) lo lắng: “Hàng triệu mét khối nạo vét đổ xuống biển, theo thủy triều, nó có dần trôi vào bờ, ảnh hưởng đến môi trường nước không? Việc nhận chìm hàng triệu khối nạo vét có ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản, nuôi tôm cao triều của chúng tôi không? Rất mong các cấp, các ngành thận trọng hết sức!”.

Trong khi đó, một lãnh đạo xã Lộc Vĩnh cho hay, quá trình khảo sát, đánh giá môi trường biển, lựa chọn khu vực nhận chìm chất nạo vét, lãnh đạo xã không được tham gia, chỉ tham gia một buổi hội thảo do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

“Nếu tính toán không kỹ dễ ảnh hưởng đến môi trường, hoạt động ngư nghiệp, đời sống kinh tế của bà con. Xã chúng tôi có cảng Chân Mây, có Khu du lịch quốc tế Laguna, có kho dầu khí và còn hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng trên bờ biển Bình An, Cảnh Dương kéo dài nhiều cây số. Thiết nghĩ, các ban, ngành chức năng cần tính toán thật kỹ, thận trọng khi nhận chìm chất nạo vét số lượng lớn”, lãnh đạo xã Lộc Vĩnh nêu quan điểm.

Sẽ cấp phép, đánh giá tác động môi trường theo từng dự án

Được biết, ngày 24/2/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề cương Nhiệm vụ Điều tra, đánh giá hiện trạng, xác định khu vực để nhận chìm chất nạo vét ngoài biển thuộc phạm vi quản lý tỉnh Thừa Thiên Huế. Kết quả đấu thầu qua mạng, có 3 đơn vị liên danh làm tư vấn đề cương này được lựa chọn, gồm Công ty cổ phần Tư vấn và Kỹ thuật hạ tầng giao thông (Hà Nội), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ môi trường (cùng thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ, Hà Nội), với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Từ tháng 11/2022, liên danh tư vấn triển khai công việc.

Sở Tài nguyên và Môi trường và đơn vị tư vấn cũng đã khảo sát lấy ý kiến chuyên gia thuộc Trường đại học Huế; các sở, ban, ngành liên quan góp ý bằng văn bản; tỉnh đã thành lập 2 hội đồng nghiệm thu Đề cương sau khoảng 4 tháng tư vấn triển khai công việc.

Đáng chú ý, do quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được ban hành, nên trước khi quyết định khu vực nhận chìm chất nạo vét ngoài biển, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn xin ý kiến các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Quốc phòng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Ngoại giao, Giao thông - Vận tải…

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, các bộ đều thống nhất với phương án đề xuất của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phòng Biển, Đảo, Đầm phá và Biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế) thông tin thêm, để đánh giá các mức độ tác động, ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái biển cũng như các vấn đề về dân sinh, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, liên danh tư vấn đã áp dụng “chạy” mô hình mô phỏng quá trình phát tán, lan truyền, biến đổi, chuyển hóa chất gây ô nhiễm trong chất nạo vét và các ảnh hưởng tới tài nguyên, môi trường biển và hải đảo… theo hướng dẫn của Thông tư 28/2019/TT-BTNMT về “Quy định kỹ thuật đánh giá chất nạo vét và xác định khu vực nhận chìm chất nạo vét ở vùng biển Việt Nam”. Kết quả là “mức độ ảnh hưởng thấp”.

“Các bước tiến hành thực hiện đề cương đều bám sát các quy định của pháp luật, thông tư hướng dẫn. Sắp tới, đơn vị, dự án nào muốn mang chất nạo vét vào nhận chìm sẽ phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường cụ thể, sau đó mới được cấp phép nhận chìm”, ông Nguyễn Công Bình, Trưởng phòng Biển, Đảo, Đầm phá và Biến đổi khí hậu cho biết.

Vị này cho hay, theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn hiện nay, loại vật, chất được nhận chìm ngoài biển là chất nạo vét trên biển, tức vật, chất trên biển được di chuyển từ vị trí này sang vị trí khác, chứ không phải là chất thải trên bờ. Theo kế hoạch, sau 5 năm triển khai, phải tổ chức khảo sát và đánh giá lại môi trường, đa dạng sinh học, độ phát tán, lan truyền vật chất ở khu vực nhận chìm để làm cơ sở tham mưu UBND tỉnh trong việc  cấp giấy phép nhận chìm cho các dự án tiếp theo.

Tin liên quan
Tin khác