Đầu tư
Nhận diện 4 điểm chủ yếu trong tăng trưởng kinh tế
Minh Nhung - 09/10/2021 09:16
Kinh tế tăng trưởng cao lên trong 2 quý đầu năm, nhưng bất ngờ giảm sâu trong quý III do dịch bệnh, trước khi phục hồi và phát triển trong quý IV.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng được nhận diện trên 4 điểm chủ yếu.

Thứ nhất, tăng trưởng cao lên từ quý I đến quý II, bất ngờ giảm sâu trong quý III (-6,17%), nên 9 tháng chỉ còn tăng 1,42% - mức thấp nhất trong cùng kỳ của nhiều năm trước.

Thứ hai, tăng trưởng dương đạt được ở một số ngành kinh tế thực, chủ yếu là nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (2,74%); công nghiệp chế biến, chế tạo (6,05%); sản xuất, phân phối điện (5,24%)...

Thứ ba, tăng trưởng âm diễn ra ở một số ngành có tính dịch vụ đầu vào (khai khoáng giảm 7,17%, xây dựng giảm 0,58%) và dịch vụ chung đầu ra - nhóm ngành dịch vụ (-0,69%).

Thứ tư, kinh tế có xu hướng tăng thấp trong 6 tháng cuối năm (quý III đã giảm).

Đã có tổ chức quốc tế dự báo GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức tăng trưởng 3,8%. Đạt được con số này không dễ do tác động của nhiều yếu tố ở cả đầu vào và đầu ra.

Ở đầu vào có các yếu tố về khai thác tài nguyên ở trong nước và nhập khẩu, vốn đầu tư, lao động và doanh nghiệp.

Về khai thác tài nguyên ở trong nước, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng giảm tương đối sâu (6,4%), trong đó khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên còn giảm sâu hơn (15,3%). Kim ngạch nhập khẩu một số loại nguyên, nhiên, vật liệu tuy tăng về lượng, góp phần bớt áp lực “đứt gãy” nguồn cung, nhưng giá nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đều tăng cao, mà chi phí đầu vào tăng thì giá trị gia tăng giảm.

Về vốn đầu tư - yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế - có những diễn biến đáng lưu ý. Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư phát triển rất thấp (0,4% - nếu loại trừ yếu tố giá trị thì giảm), trong đó, khu vực nhà nước giảm 4,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 3,4%. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đã giảm (từ 34,4% năm 2020, xuống còn 31,2% trong 9 tháng 2021).

Về lao động, so với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giảm 0,2 triệu người, trong độ tuổi lao động giảm 1,1 triệu người; số lao động đang làm việc chỉ có nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,6%, trong khi nhóm ngành công nghiệp - xây dựng giảm 1,4%, nhóm ngành dịch vụ giảm 2,3%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng qua các quý (quý I là 2,19%, quý II là 2,4%, quý III là 3,43%). Tỷ lệ thiếu việc làm lao động trong tuổi là 3,04%.

Về hoạt động của doanh nghiệp, số doanh nghiệp vào hoặc quay trở lại thị trường giảm 11,8% (đăng ký thành lập mới giảm 13,6%, quay trở lại hoạt động giảm 6%). Số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng 15,1% (giải thể tăng 5,9%, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,4%, tạm ngừng kinh doanh tăng 16,7%). Mặc dù số vào nhiều hơn số ra, nhưng chênh lệch này thấp hơn cùng kỳ (27.500 doanh nghiệp so với 32.000 doanh nghiệp), nên ước tính số doanh nghiệp đang hoạt động tính đến cuối tháng 9 đạt khoảng 839.000 doanh nghiệp.

Ở đầu ra, tác động đến tăng trưởng GDP có 2 yếu tố lớn.

Trước hết là tăng trưởng GDP xét dưới góc độ sử dụng. Mặc dù tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng (1,6%) và tích lũy tài sản (4,27%) đều cao hơn tốc độ tăng GDP (1,42%), nhưng do tốc độ tăng nhập khẩu cao hơn xuất khẩu (18,46% so với 14,21%), dẫn đến nhập siêu hàng hóa 2,14 tỷ USD, nhập siêu dịch vụ 11,69 tỷ USD (trong đó, dịch vụ vận tải nhập siêu 7.084 triệu USD, dịch vụ du lịch nhập siêu 2.573 triệu USD…). Nhập siêu tuy có tác dụng để phòng tránh đứt gãy nguồn cung như đã xảy ra và cũng là sự chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại, nhưng cũng tác động tiêu cực trên một số mặt đáng lưu ý, như tác động không tốt đối với tăng trưởng kinh tế trong nước, tác động không tốt đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng thể…

Sau nữa, tác động bao trùm là dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và ở trong nước còn diễn biến phức tạp. Có dự báo cho rằng, Covid-19 sẽ được kiểm soát vào cuối năm nay, có dự báo cho rằng, dịch bệnh còn kéo dài trong năm tới.

Tin liên quan
Tin khác