Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ trên 100 nước và vùng lãnh thổ, trải khắp 5 châu lục, trong đó có 74 thị trường nhập khẩu chủ yếu.
Trong 74 thị trường nhập khẩu này, trong 5 tháng đầu năm 2022, có 51 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 20 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, với tổng kim ngạch đạt 1.709,7 tỷ USD, chiếm tới 92,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Đặc biệt, có 11 thị trường đạt trên 3 tỷ USD, là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Australia, Ấn Độ,
Indonesia, Campuchia. Kim ngạch nhập khẩu từ 11 thị trường lớn đạt 153,85 tỷ USD, chiếm trên 83% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Trong các thị trường trên, Trung Quốc có tỷ trọng cao nhất (chiếm 33% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước), với 31 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, đặc biệt có quy mô lớn và chiếm tỷ trọng cao về mặt hàng nhập khẩu tương ứng của Việt nam. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (chưa phải là kỹ thuật công nghệ nguồn, thậm chí còn là loại được đào thải trong quá trình hiện đại hóa) chiếm 11,92 tỷ USD; vải, xơ sợi dệt và nguyên phụ liệu dệt may da 7,76 tỷ USD; máy tính, sản phẩm điện tử, điện gia dụng, linh kiện 13,06 tỷ USD; điện thoại và linh kiện 4,24 tỷ USD… Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng trong các mặt hàng tương ứng cao hơn tỷ trọng chung.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 17,6% tổng kim ngạch nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc nhiều mặt hàng, trong đó có 19 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD. Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (12,31 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (5,1 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (3,38 tỷ USD); xăng dầu (2,07 tỷ USD); chất dẻo (1,52 tỷ USD); kim loại thường và sản phẩm (1,06 tỷ USD).
Trong những thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay, có 39 thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt, có 4 thị trường có mức tăng rất lớn (trên 1 tỷ USD) là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Chỉ 4 thị trường này, mức tăng đã đạt 17,99 tỷ USD, chiếm 72,3% tổng mức tăng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Đáng chú ý, trong 74 thị trường nhập khẩu, có 31 thị trường Việt Nam ở vị thế nhập siêu. Trong đó, có 11 thị trường Việt Nam nhập siêu lớn (trên 1 tỷ USD). Đứng đầu là Trung Quốc, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Kuwait, Australia,
Indonesia, Malaysia, Ireland, Argentina, Brasil.
Với 11 thị trường trên, Việt Nam đã nhập siêu tới 82,35 tỷ USD. Phần lớn trong số thị trường này tập trung ở châu Á, là những thị trường tuy giá rẻ, nhưng kỹ thuật - công nghệ chưa phải là kỹ thuật - công nghệ nguồn, lại rất dễ bị đứt gãy, nhất là từ khi Trung Quốc thực hiện chính sách “zero Covid”.
Ngoài ra, có một số thị trường Việt Nam chuyển vị thế từ xuất siêu sang nhập siêu, như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Australia, Malaysia, Indonesia, Nga, Ukraine…
Từ những con số thống kê nói trên, cần phân tích, có giải pháp giảm thiểu tình trạng gia công, lắp ráp để nâng giá trị gia tăng, hạn chế nhập khẩu; hạn chế tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ” kể cả trong xuất khẩu và nhập khẩu để hạn chế phụ thuộc vào một vài thị trường, trên cơ sở cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu.