Khi thị trường bất động sản chính thức đi vào giai đoạn đóng băng vào năm 2011, thì nợ xấu cũng được nhận diện và đạt đỉnh cao vào năm 2012, với tỷ lệ nợ xấu là 6%. Trong 3 năm 2013 - 2015, số liệu nợ xấu giảm từng năm, cho thấy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã xử lý hiệu quả và nợ xấu đã trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, năm 2016, nợ xấu bắt đầu tăng trở lại, từ mức 2,55% đầu năm lên 2,78% trong tháng 5/2016.
Nợ xấu vẫn là gánh nặng và nguy cơ lớn cho nền kinh tế
Nhiều khả năng, nợ xấu giai đoạn 2012 - 2015 chưa được nhận diện và đánh giá đúng mức. Lý do là, theo báo cáo tháng 6/2011 của NHNN, tỷ lệ nợ xấu là 3,2%, nhưng Fitch Rating cho rằng, tỷ lệ thực tế có thể lên đến 13%. Đến tháng 10/2013, NHNN đưa ra tỷ lệ nợ xấu ở mức 4,7%, trong khi báo cáo đầu năm 2014 của Moody’s cho thấy, con số có thể lên tới 15%.
Nợ xấu ngân hàng vẫn là vấn đề đáng quan ngại sau 5 năm nỗ lực xử lý. Ảnh: Chí Cường |
Năm 2015, NHNN đã liên tục trì hoãn việc áp dụng tiêu chuẩn Basell II. Thực tế đó cho thấy, nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể chưa được nhận diện và đánh giá đầy đủ. Do vậy, năm 2016, khi NHNN giám sát chặt chẽ hơn thì nợ xấu đã ngày càng xuất lộ.
Bên cạnh đó, nợ xấu còn gia tăng bởi NHTM vẫn đẩy mạnh cho vay bất động sản, tăng từ khoảng 197.000 tỷ đồng năm 2012, lên 360.000 tỷ đồng năm 2015, tăng khoảng 80%. Trong khi đó, các hoạt động giám sát hoạt động ngân hàng, việc sáp nhập ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh… chưa thể cải thiện thực chất hoạt động của ngân hàng. Không chỉ ngân hàng nhỏ, yếu kém tạo ra nợ xấu, mà những ngân hàng lớn có bề dày và nguồn lực như Eximbank cũng gia tăng nợ xấu trong giai đoạn này, với những khoản cho vay rất lớn đổ vào các dự án thâm dụng vốn như Sợi Đình Vũ, Bột giấy Phương Nam…
Giải pháp quan trọng và được kỳ vọng nhất là thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, với phương thức xử lý dạng bút toán, thiếu thực lực tài chính và phương thức xử lý theo cơ chế thị trường, nên VAMC chủ yếu là công cụ giúp chuyển hạch toán nợ xấu từ NHTM sang VAMC để NHTM “đủ tiêu chuẩn quy định” cho hoạt động tín dụng mới. Do không có sự thay đổi thực chất đáng kể nào trong hoạt động của NHTM, nên không những không tạo ra lợi nhuận để xử lý, mà còn làm tăng thêm nợ xấu từ hoạt động tín dụng mới. Do vậy, trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, VAMC mới xử lý được 32.400 tỷ đồng (13,4%).
Nhiều ý kiến cho rằng, dùng ngân sách để xử lý nợ xấu là điều vô lý, không thể bắt người dân trả nợ thay cho người khác. Tuy nhiên, trong thực tế, tiền của người dân vẫn đang dùng cho những việc khắc phục yếu kém cũng như phát triển kinh tế vĩ mô, mà nợ xấu NHTM nằm trong số đó.
Hiện nay, nhiều khả năng, nợ xấu thực tế lớn hơn nhiều so với con số công bố là 2,78%. Theo Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ), nợ xấu ngân hàng ở Việt Nam hiện nay là 7 - 8%. Điều này làm lãi suất khó giảm, tín dụng khó tăng lành mạnh và hệ quả là kinh tế khó phát triển. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực và sự tích lũy lợi nhuận của các NHTM vốn đang yếu kém và cần chuyển đổi, thì khó có thể xử lý nhanh nợ xấu để giúp nền kinh tế phát triển. Do vậy, việc tham gia nguồn lực từ ngân sách là cần thiết cho một vấn đề quan trọng bật nhất của kinh tế quốc gia hiện nay, phù hợp với lý thuyết cũng như thực tiễn của nhiều quốc gia gặp khó khăn tài chính trước đây.
Với nhóm ý kiến ủng hộ sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, VAMC sẽ vay tiền Chính phủ để mua nợ với giá trị thực sau đó bán lại thu lời. Như vậy, thực chất, Chính phủ không dùng ngân sách để cứu ai cả, mà là đầu tư có lợi, do khoản ngân sách này có thể được coi là tiền ứng trước cho VAMC. Lý luận này được dẫn chứng từ việc Chính phủ Mỹ đã bơm hàng ngàn tỷ USD vào ngân hàng trong cuộc khủng hoảng năm 2008 để xử lý nợ xấu, sau đó thu lại được toàn bộ và có lãi.
Tuy nhiên, việc giao vốn cho VAMC để mua - bán nợ xấu theo cơ chế thị trường là “khó khả thi”, bởi VAMC là một tổ chức hành chính trong việc xử lý nợ xấu, mà kết quả vừa qua còn rất hạn chế, trong khi các hoạt động mua - bán nợ xấu là hoạt động tài chính đỉnh cao mà Việt Nam rất ít kinh nghiệm. Chúng ta đã thấy, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với bộ máy và nhân lực nhiều năm kinh nghiệm, nhưng hoạt động quản lý vốn nhà nước trong công ty cổ phần vẫn chưa hiệu quả, khiến đang có đề xuất thành lập Ủy ban Vốn nhà nước. Với bộ máy hiện nay, VAMC hoàn toàn không đủ khả năng sử dụng vốn ngân sách để mua - bán nợ theo cơ chế thị trường.
Trong khi đó, việc chuyển nợ thành vốn góp chỉ nên áp dụng với các NHTM cổ phần tư nhân theo cơ chế thị trường. Nợ xấu phát sinh tại các NHTM cổ phần tư nhân về bản chất thuộc về thẩm quyền xử lý của cổ đông và cổ đông phải chịu thiệt hại để xử lý. Do vậy, các ngân hàng này nên được chủ động chọn lựa những khoản nợ xấu ở những công ty có khả năng phát triển trở lại để chuyển thành vốn góp và thu lại khi công ty phát triển thành công.
Riêng đối với các NHTM nhà nước, nếu áp dụng giải pháp này cũng tương tự việc dùng ngân sách hay VAMC mua nợ. Việc này sẽ gây ra hiện tượng “đá bóng - thổi còi” trong việc giải quyết các hậu quả yếu kém, sai phạm của ngân hàng và doanh nghiệp vay nợ, làm thất thoát vốn nhà nước và sai phạm không được xử lý đúng.
Đề xuất hướng xử lý nợ xấu
Nếu không được xử lý nhanh và thích đáng, nợ xấu ngân hàng có thể dẫn đến mất thanh khoản cho hệ thống NHTM, đe dọa đến mạch máu lưu thông tiền tệ. Điều này cho thấy, Chính phủ cần có những giải pháp và nguồn lực để xử lý mạnh mẽ.
Để xử lý nợ xấu NHTM, có thể sử dụng nhiều phương thức, giải pháp mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công trong các kỳ khó khăn hoặc khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Tuy nhiên, các giải pháp này phải mang tính đồng bộ, có hệ thống theo những định hướng cụ thể để tạo hiệu ứng và kết quả cao nhất.
Dưới đây là một số đề xuất xử lý nợ xấu:
Đề xuất thứ nhất: sáp nhập những NHTM quá yếu kém mà Nhà nước đã mua 0 đồng vào ngân hàng thương mại nhà nước mạnh để xử lý, nếu thấy rằng, việc phục hồi và bán lại khó khả thi. Việc này sẽ giúp giải quyết vấn đề tiền gửi khách hàng cũng như khoản nợ xấu.
Đề xuất thứ hai: xây dựng cơ chế tài chính ưu đãi cho việc “mua - bán nợ quan trọng” và giao VAMC tổ chức dịch vụ.
Đầu tiên, cần xây dựng các tiêu chí để xác định “khoản nợ xấu quan trọng” là khoản nợ xấu quy mô lớn của doanh nghiệp, mà khi xử lý sẽ thu hồi khoản vay đáng kể của ngân hàng, giúp doanh nghiệp phát triển, hoặc tạo những lợi ích cho kinh tế - xã hội.
Với các khoản nợ này, sẽ có cơ chế ưu đãi tài chính bằng cách người mua lại trả một phần tiền (20 - 30% khoản giá trị mua nợ), phần còn lại được vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, người mua còn được Nhà nước cho vay một khoản tiền có lãi suất bằng 0% trong 3 - 5 năm để tham gia mua lại.
Với các tài sản là bất động sản thế chấp, người mua được miễn quyền sử dụng đất khi phát triển dự án. Điều này sẽ làm tăng giá trị mua lại, giúp tăng nguồn thu hồi của các ngân hàng.
Với các khoản mua lại là cổ phần công ty, người mua được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm kể từ khi có lãi để tăng giá trị mua lại. Ngoài ra, công ty mua lại được vay với lãi suất ưu đãi để phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Việc tổ chức mua lại theo cơ chế đấu giá công khai do VAMC xác định các “khoản nợ xấu quan trọng” và tổ chức thực hiện.
Đề xuất thứ ba: xây dựng cơ chế xử lý nợ xấu có tính chủ động cho các NHTM cổ phần. Hiện nay, việc xử lý nợ xấu hoặc các khoản sắp phát sinh nợ xấu của các NHTM cổ phần khá hạn chế. Điều này làm việc xử lý nợ xấu kéo dài, gây thêm khó khăn cho ngân hàng. Do vậy, đối với các NHTM cổ phần thì Chính phủ cần cho phép được chủ động xử lý nợ xấu theo sự thỏa thuận với người thiếu nợ và theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể, có 2 điểm cần ban hành là NHTM cổ phần được chủ động chuyển nợ thành vốn góp theo thỏa thuận giữa hai bên và được Đại hội cổ đông thông qua; việc bán tài sản thế chấp (nhà xưởng, thiết bị, nhà đất) phải có quy định và thủ tục đơn giản theo cơ chế đấu giá căn cứ theo hợp đồng vay nợ và thế chấp giữa hai bên, giúp ngân hàng chủ động thanh lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhanh chóng.
Đề xuất thứ tư: đẩy mạnh hình thành các tổ chức đầu tư mua bán nợ. Việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là tài sản lớn hoặc doanh nghiệp kinh doanh khó khăn rất cần có sự tham gia của các tổ chức tài chính chuyên nghiệp như ở các nước phát triển. Do vậy, để có thể nhanh chóng hình thành được những tổ chức tài chính này tham gia hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, Chính phủ cần có những cơ chế ưu đãi ban đầu cho các công ty này, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm, cho vay với lãi suất ưu đãi...