Dưới góc nhìn về tốc độ tăng trưởng
Tốc độ tăng GDP có những điểm nhấn quan trọng: có tính liên tục (tăng 43 năm liên tục từ năm 1981); về tốc độ tăng (năm 2023 so với năm 1981 cao gấp 13,31 lần, bình quân 1 năm tăng 6,2%); tăng trưởng năm 2023 cao lên qua các quý (là tín hiệu khả quan để tăng tốc trong năm 2024), tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, dịch vụ và công nghiệp - xây dựng.
Bên cạnh những điểm nhấn nêu trên, tốc độ tăng GDP của Việt Nam cũng có những hạn chế và đứng trước không ít thách thức. Rõ nhất là tốc độ tăng bình quân năm trong thời gian dài nhìn chung còn thấp.
Về mặt tính toán, cần phân biệt giữa tốc độ tăng và quy mô tuyệt đối, bởi giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên có sự khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, với quy mô GDP 2021 của Việt Nam là 366,5 tỷ USD, thì giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên chỉ có 3,66 tỷ USD. Nhưng Hàn Quốc có quy mô tuyệt đối là 1.820 tỷ USD, thì giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên đạt tới 18,2 tỷ USD, cao gấp gần 5 lần giá trị tuyệt đối của 1% tăng lên của Việt Nam, có nghĩa là nếu Hàn Quốc tăng 1% thì Việt Nam phải tăng 5%.
Điều này đặt ra một số vấn đề: nguy cơ tụt hậu xa hơn; phải tăng cao hơn nhiều và trong nhiều năm mới thoát dần nguy cơ tụt hậu xa hơn; không được chủ quan, thỏa mãn ngay cả khi có tốc độ tăng cao hơn trong một số năm.
Một hạn chế quan trọng là tăng trưởng GDP còn thấp khá xa so với mục tiêu đến năm 2025, nguy cơ một lần nữa bị lỡ nhịp thực hiện có công nghiệp theo hướng hiện đại và ra khỏi mức thu nhập trung bình thấp như năm 2020.
Dưới góc nhìn chất lượng tăng trưởng
Sự cải thiện chất lượng tăng trưởng của Việt Nam được thể hiện ở một số chỉ tiêu: hiệu quả đầu tư, năng suất lao động và tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP).
Theo đó, hiệu quả đầu tư thể hiện ở hệ số ICOR (ICOR cao và tăng thể hiện hiệu quả đầu tư thấp và giảm; ICOR thấp và giảm chứng tỏ hiệu quả đầu tư cao và tăng). ICOR của Việt Nam năm 2022 là 5,13 lần, thấp xa so với 2 năm trước; năm 2023 ước đạt khoảng 6 lần, tương đương những năm từ 2011 đến 2019.
Năng suất lao động đạt tốc độ tăng khá. Mức năng suất lao động tính bằng USD đã tăng khá qua các năm. Kết quả này có được do nhiều yếu tố: tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (có chứng chỉ, bằng cấp) liên tục tăng lên, cơ cấu lao động đang làm việc theo nhóm ngành có sự chuyển dịch theo hướng lao động chuyển từ ngành năng suất lao động thấp sang ngành có năng suất lao động cao...
Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP đã cao lên qua các năm (từ dưới 30% trước 2015, đã tăng lên khoảng 45% hiện nay). Điều đó có nghĩa, tỷ trọng đóng góp của tăng vốn đầu tư và tăng số lao động đang làm việc đã giảm xuống, chuyển dần sang mô hình mới tăng trưởng dựa nhiều hơn vào chất lượng.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế chuyển biến còn chậm và ở mức thấp. ICOR vẫn cao, lớn hơn khoảng 3 lần so với các nước đang phát triển. Trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy tài sản/GDP, ngân sách còn bội chi, mà hiệu quả đầu tư thấp là nguy cơ tiềm ẩn của một số cân đối kinh tế vĩ mô.
Năng suất lao động chưa cao, trong khi mức năng suất lao động về tuyệt đối thấp có nguyên nhân từ nhiều mặt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp. Trong nông nghiệp, không ít người còn ở tình trạng “lấy công làm lãi”. Trong công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm và yếu, tính gia công lắp ráp cao, tỷ trọng số doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp còn lớn và giảm chậm. Trong dịch vụ, tính chuyên nghiệp vẫn thấp, năng suất không cao, giá cả cao…
Như vậy, Việt Nam cần tiếp tục quan tâm đến việc nâng cao tốc độ tăng trưởng để khắc phục các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “sập bẫy thu nhập trung bình”, đồng thời quan tâm đặc biệt đến chất lượng tăng tưởng để phát triển bền vững.