Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhận diện về cấp bù lãi suất
Minh Nhung - 26/10/2021 16:42
Kích cầu là việc cần làm phổ biến trên thế giới với quy mô lớn nhỏ khác nhau. Phương thức kích cầu có nhiều, nhưng “cấp bù lãi suất” thì ít nơi áp dụng.
Cần hết sức chú ý tới bài học của việc “cấp bù lãi suất” từ cách đây hơn 1 thập kỷ.

Bài học kích cầu năm 2009

Năm 2009, căn cứ vào diễn biến ở trong nước, đứng trước tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã đưa ra gói kích cầu, với quy mô 9 tỷ USD, bằng khoảng 9,2% GDP.

Gói kích cầu này đã mang lại những kết quả tích cực nhất định.

Một là, Việt Nam không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ bị giảm (từ 6,31% năm 2008 xuống 5,32% năm 2009), không bị rơi vào suy thoái (tăng trưởng âm), đến năm 2010 tăng trưởng cao lên (6,42%).

Hai là, số doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh cuối năm 2009 tăng so với cuối năm 2008 (248.800 so với 205.700 doanh nghiệp).

Ba là, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực thành thị năm 2009 giảm nhẹ so với năm trước (4,6% so với 4,65%).

Nguyên nhân đạt được là nhờ gói kích cầu gần 200.000 tỷ đồng đã kéo theo một lượng tín dụng khủng lên đến hơn 400.000 tỷ đồng từ các ngân hàng ra lưu thông, góp phần “cứu” doanh nghiệp, cơ sở kinh tế và người lao động.

Tuy nhiên, gói kích cầu này cũng gây ra hiệu ứng phụ.

Trước hết, gói kích cầu này đã làm tăng mạnh dư nợ tín dụng và tăng tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP, góp phần đưa giá cả tăng trong những năm sau đó. Tốc độ tăng dư nợ tín dụng khá cao (năm 2009 tăng 37,53%, năm 2010 tăng 31,41%) và cao gấp nhiều lần tốc độ tăng GDP. Tiền tệ - tín dụng là yếu tố trực tiếp làm tăng CPI và là yếu tố cuối cùng để giá biển hiện ra. Do vậy, CPI năm 2009 tăng khá cao (cuối 2009 so với cuối 2008 tăng 19,89%, bình quân 2009 so với 2008 tăng 29,97%).

Tác động tiêu cực nữa là đã làm dự trữ ngoại hối giảm khá mạnh (từ 23,89 tỷ USD cuối năm 2008, còn 16,45 tỷ USD cuối năm 2009 và còn 12,47 tỷ USD cuối năm 2010).

Kích cầu lần này

Quy mô kích cầu lần này, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mới đạt 2% GDP, nên cần được đưa lên khoảng 6,5% GDP, tương đương 22 tỷ USD.

Người viết cho rằng, quy mô kích cầu có thể lớn hơn mức 2% GDP, vì có nhiều ngành, lĩnh vực phải “cấp cứu”, nhưng phải lấy từ nhiều nguồn, từ ngân hàng, đến các quỹ, đến ngân sách…

Từ đầu năm ngoái đến nay, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ về tài chính - ngân sách, với tổng giá trị khoảng 139.000 tỷ đồng (gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm thuế, phí, lệ phí…).

Riêng việc “cấp bù lãi suất” với khoảng 30.000 tỷ đồng là hợp lý, vì chỉ kéo theo khoảng hơn 100.000 tỷ đồng tín dụng từ các ngân hàng thương mại - thấp hơn nhiều so với gói “cấp bù lãi suất” cách đây hơn 10 năm.

Nói hợp lý là bởi việc này tạo nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có sức kéo toàn bộ nền kinh tế, không tràn lan, nhưng không gây ra lạm phát cao.

Trong khi đó, nếu triển khai gói kích cầu lên tới 22 tỷ USD và thực hiện cấp bù lãi suất, thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn. Hơn nữa, còn bị áp lực của “nhập khẩu lạm phát” trên thế giới. Do vậy, cần hết sức chú ý tới bài học của việc “cấp bù lãi suất” từ cách đây hơn 1 thập kỷ.

Tin liên quan