Chương trình do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức theo sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Diễn đàn có sự tham gia của các doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành chính phủ, các đơn vị báo chí cùng sự đồng hành của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã xây dựng được toàn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2023, chỉ ra các khó khăn, thách thức và cả cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc tại chương trình, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nhấn mạnh, thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng lớn bởi các biến động phức tạp về địa chính trị thế giới, điều này khiến các chỉ số về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ta gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) |
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu lên một số giải pháp; “Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư kinh doanh. Tiếp tục có các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực từ các gói hỗ trợ của Nhà nước. Cần có giải pháp kịp thời hỗ trợ một số ngành đang phục hồi mạnh mẽ như du lịch, dịch vụ hiện đang đối mặt với khó khăn về thiếu hụt nhân lực. Xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Hoàng Quang Phòng cũng khẳng định thêm, cộng đồng doanh nghiệp cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công và chỉ có doanh nghiệp mới biết doanh nghiệp cần gì để thay đổi.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Bối cảnh khó khăn sẽ tạo ra cả khó khăn cũng như cơ hội”.
Đối với cơ hội, ông Tuấn cho biết: “Hiện cục diện thế giới hiện đang có những thay đổi mạnh, các đột phá công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số chính là cơ hội tốt cho các nước đang phát triển, việc tiếp cận nhanh vào công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra sự đột phá. Việt Nam với quy mô dân số trẻ, dân số đông sẽ có đủ tiềm lực để khai phá cơ hội mới này. Việt Nam đang có khởi đầu giống các quốc gia khác tại một số lĩnh vực, thậm chí hiện nay còn nhanh hơn các quốc gia phát triển khác. Đây là một cuộc chạy đua công bằng, có khởi đầu giống nhau và Việt Nam phải biết tận dụng những cơ hội này”.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Việt Nam còn ở trong vị trí năng động và có bước chuyển mạnh, đặc biệt là trong chuyển đổi số. Nước ta là một trong những nước có triển vọng và năng động nhất khu vực Đông Nam Á. Nếu biết khai thác vị trí khu vực thì sẽ có cơ hội tốt để thu hút nguồn lực về công nghệ, mở rộng thị trường, thậm chí là nguồn nhân lực để vươn lên nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số, một xu hướng tuy không mới, nhưng vô cùng quan trọng hiện nay chính là “toàn cầu hóa” giúp xóa bỏ ranh giới công nghệ và thông tin giữa các quốc gia. Xung đột Nga - Ukraine hiện nay, khiến nền địa chính trị thế giới trở nên bất ổn, tuy nhiên “toàn cầu hóa” vẫn tiếp tục phát triển theo nhiều khía cạnh và hình thức khác nhau.
Ông Tuấn cho biết thêm: “Nhắc đến đại dịch Covid-19, là nhắc đến tang thương, nỗi đau của nhiều quốc gia trên thế giới, tuy nhiên sau đại dịch cũng đã phát triển các xu hướng mới, đó là xu hướng chuyển đổi xanh”.
"Xu hướng mới này giúp tạo ra nhiều ngành nghề mới, với điển hình như Hàn Quốc, đã phát triển về ngành năng lượng tái tạo mới và các ngành công nghiệp dựa trên Hydrogen. Thế giới đang bước vào thời kỳ theo hướng xanh hóa, tập trung vào mục tiêu giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam cũng cam kết thực hiện mục tiêu đến năm 2050 sẽ giảm phát thải ròng bằng 0, nếu nắm bắt nhanh cơ hội này sẽ giúp chúng ta vượt qua khó khăn hiện nay”.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn, theo hướng giảm nhẹ phát thải, theo hướng xanh hóa sản xuất, đặc biệt đặt ra những vấn đề liên quan đến xanh hóa tiêu dùng, tức tiêu dùng bền vững. Đây là sức ép để các doanh nghiệp phải thay đổi sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xanh hóa đó. Nếu chúng ta đáp ứng được yêu cầu đấy thì có cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có nhu cầu cao về sản phẩm xanh hóa".
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu, rất nhiều kịch bản được vẽ ra trong đó: Việt Nam sẽ bị mất 40% diện tích đất canh tác, nếu mực nước tăng thêm 1m thì khả năng. Đây là thách thức vô cùng lớn, khi Việt Nam hiện nay vẫn là một nước phụ thuộc vào ngành nông nghiệp, đặc biệt là lúa nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể “biến nguy thành cơ”, đó là thay đổi mô hình kinh doanh, thay vì trồng lúa thì nuôi trồng thủy hải sản mang lại giá trị cao.
Đây là những cơ hội quan trọng mà Việt Nam nếu nắm bắt được sẽ có thể bứt phá trong giai đoạn hiện nay.