Tương lai rộng mở với sầu riêng, thanh long
Xuất khẩu rau quả lần đầu tiên mang về 3,5 tỷ USD trong năm 2017, trong đó, thị trường Trung Quốc đóng góp tới 75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tương lai xuất khẩu của nhiều loại trái cây Việt trong năm 2018 tiếp tục rộng mở khi chỉ riêng thị trường này đang có nhu cầu nhập khẩu lớn với sầu riêng, thanh long, nhãn..
Dù các thị trường khó tính đã mở cửa cho các loại trái cây Việt, nhưng Trung Quốc mới là thị trường quan trọng góp phần làm nên bức tranh tăng trưởng của ngành rau quả năm nay. |
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, Việt Nam hiện có 8 loại trái cây tươi được phép xuất khẩu vào Trung Quốc, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, trong đó có 4 loại chiếm thị phần gần như tuyệt đối (từ 85 - 98%) tại thị trường này đã góp phần mang về hơn 2 tỷ USD trong năm qua.
Trái thanh long tươi đang trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt. Giá trị thu về từ xuất khẩu thanh long ước tính riêng thị trường Trung Quốc đã đạt khoảng 400 triệu USD trong năm 2017.
Trong khi đó, Australia là thị trường chính ngạch mới nhất của loại trái cây này sau gần 1 thập kỷ đàm phán.
“Dù thị trường khó tính như Mỹ, Australia đã mở cửa cho các loại trái cây Việt, nhưng Trung Quốc mới là thị trường quan trọng góp phần làm nên bức tranh tăng trưởng của ngành rau quả trong năm qua”, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết.
Là doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn đi Mỹ, châu Âu, nhưng trên 10% tổng giá trị xuất khẩu của Vina T&T Group là từ thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T Group cho rằng, lượng hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc đang được doanh nghiệp duy trì đều đặn.
“Năm 2018, T&T Group đã có kế hoạch đầu tư một nhà máy chuyên xử lý, chế biến sầu riêng để phục vụ xuất khẩu. Nhà máy này được trang bị hệ thống thiết bị xử lý hiện đại nhất để đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ các thị trường nhập khẩu lớn”, ông Tùng cho biết.
Ngay trong niên vụ nhãn 2018, Vina T&T Group sẽ thiết lập điểm thu mua nhãn tại tỉnh Sơn La để đưa về Nhà máy, hoàn tất thủ tục chiếu xạ và xuất đi Mỹ. Đơn hàng cho trái nhãn Sơn La đã có, khi đối tác Mỹ đánh giá cao chất lượng lô hàng nhãn Sơn La xuất khẩu mùa đầu tiên năm 2017.
Kỳ vọng từ thị trường Mỹ, Hàn Quốc
Rau hoa quả của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng trưởng cao trong năm qua, trong đó, dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, tiếp theo là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...
Dẫu vậy, kim ngạch xuất khẩu rau hoa quả của Việt Nam sang thị trường Mỹ dù tăng tốc mạnh, với 20,9% so với năm 2016, nhưng mới dừng ở con số trên 100 triệu USD.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, dư địa tăng trưởng nhiều loại trái cây tươi trong nước sang Mỹ còn rất lớn do nhu cầu nội tại của thị trường này tăng cao và số lượng doanh nghiệp đầu tư để đón cơ hội tại thị trường tiêu chuẩn cao đang được nối dài.
Đáng chú ý là, ngoài các mặt hàng quả tươi như thanh long ruột trắng, ruột đỏ, chôm chôm, nhãn, vải đã xuất khẩu được vào thị trường Mỹ, vào cuối tháng 12/2017, với lô hàng vú sữa đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên xuất khẩu vú sữa sang thị trường này.
“Vú sữa Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn hàng hóa theo yêu cầu của phía Mỹ, phần lớn là do những nỗ lực từ phía Việt Nam về cải thiện các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật. Đây cũng là thành công lớn của ngành rau hoa quả của Việt Nam. Vú sữa Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước châu Á, và đang kỳ vọng Hàn Quốc sẽ sớm cấp giấy phép nhập khẩu vú sữa từ Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam cho biết.