Người mà ông Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ sự ngưỡng mộ là Trần Trung Kiên, Nhân viên Trung tâm phần mềm 2 Viettel.
Lý do mà Tổng giám đốc Viettel ngưỡng mộ Kiên là: “Kiên đã cho chúng ta thấy rằng một việc lớn có thể do một nhóm siêu nhỏ, nhóm gồm một người thực hiện”.
Kiên là người Việt Nam đầu tiên xây dựng hệ thống chuyển mạng giữ số và hoá đơn điện tử trị giá 2,5 triệu USD, tương đương hơn 50 tỷ đồng.
So với những người khác, ngoài việc hoàn thành 2 sản phẩm quan trọng trong năm 2015 (hệ thống chuyển mạng giữ số và hoá đơn điện tử), Kiên còn gây ấn tượng bởi sự sáng tạo và cách làm việc toàn trình.
Theo đó, Kiên một mình thực hiện tất cả các công đoạn của 2 dự án phát triển sản phẩm nói trên: tự nghiên cứu nhu cầu, tự thiết kế hệ thống, tự coding, tự đóng gói, tự cài đặt cho khách hàng, tự viết tài liệu hướng dẫn…. Theo ông Hùng, nếu phải mua, hệ thống chuyển mạng giữ số và hoá đơn điện tử trị giá 2,5 triệu USD, tương đương hơn 50 tỷ đồng. Nếu so sánh với năng suất lao động bình quân ở Viettel, Kiên (Trung tâm phần mềm 2 Viettel) có năng suất cao hơn gấp hàng chục lần.
Tuy nhiên, giá trị bằng tiền của 2 dự án mà Kiên đóng góp không thú vị bằng quá trình thực hiện của chàng trai này, đặc biệt là sản phẩm chuyển mạng giữ số. Đây là một sản phẩm trong tương lai của thị trường Việt Nam nhưng chàng kỹ sư Viettel lại thực hiện trước cho Pêru.
“Lúc đó, mọi việc tôi phải tự mò mẫm bởi chuyển mạng giữ số là sản phẩm hoàn toàn mới. Bất đồng ngôn ngữ, thủ tục rườm rà của nước bạn là những khó khăn lớn nhất tôi gặp phải. Những lúc như vậy thì cứ tiến bước thôi chứ cứ nghĩ là khó sẽ không làm được”, Kiên chia sẻ.
Nhận nhiệm vụ khó nhưng không tìm được chuyên gia tư vấn, sản phẩm dành cho thị trường nói tiếng Tây Ban Nha mà Kiên lại chưa học ngôn ngữ này. Trưởng dự án này đã quyết định tự học và dịch tài liệu bằng tiếng Tây Ban Nha với Google Translate, từ đó xây dựng nghiệp vụ cho hệ thống.
“Thực tế, việc dịch và hiểu tài liệu hướng dẫn, kỹ thuật tiếng Tây Ban Nha bằng Google Translate không sai lệch như mọi người nghĩ. Tôi căn cứ vào Google Translate một phần nhưng có thể đoán được ý nhờ tìm hiểu các kiến thức chuyên môn qua kênh khác nên các kiến thức vẫn được tiếp thu đúng”, Kiên bật mí.
Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Viettel nhận xét, khi phải dịch tài liệu bằng Google Translate, Kiên đã đẩy mình vào thế rất khó và muốn hiểu thực sự thì phải tìm hiểu rất nhiều qua các kênh khác. Rút cục, nhờ việc học qua nhiều kênh, kiểm chứng chéo qua nhiều nguồn, các thông tin, kiến thức thu được chuẩn hơn và “ngôn ngữ chỉ là cái vỏ của tư duy”.
Năm 2013, Kiên lần đầu tiên xuất ngoại trong một hành trình kéo dài 7 tháng. Anh có mặt tại Peru để thử nghiệm, triển khai sản phẩm chuyển mạng giữ số.
“Trước khi chúng tôi thực hiện dự án, tại Peru, có đối tác chào giá 450.000 USD cho hệ thống chuyển mạng giữ số. Nếu tự phát triển, tập đoàn chỉ mất tiền trả lương cho nhân viên, cộng thêm các chi phí khác, số tiền phải bỏ ra chỉ 150.000 USD mà lại làm chủ hoàn toàn”, Kiên cho hay.
Đến nay, hệ thống chuyển mạng giữ số do nhóm của Kiên phụ trách đã hoàn thiện, đang áp dụng tại thị trường Tanzania. Trần Trung Kiên cũng góp ý kiến xây dựng quy trình nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm cho Cục viễn thông (Bộ Thông tin Truyền thông) trong việc triển khai đề án chuyển mạng giữ số tại Việt Nam. Anh tâm sự, nguyên tắc quan trọng khi thực hiện dự án là “phải làm tốt ngay từ đầu, liên tục cải tiến” và “không bao giờ bỏ cuộc”.
Gắn bó với Viettel từ năm 2010, chàng trai quê Nam Định cho biết, anh yêu công việc nơi đây bởi luôn được thử sức mình ở những lĩnh vực mới.
Thường xuyên làm việc vào cuối tuần, mặc dù “không ai ép”, ít khi về nhà trước 8 giờ tối, Kiên cho biết đó là cách anh thể hiện trách nhiệm với công việc và vẫn khẳng định cân bằng tốt giữa công việc và gia đình. Vừa tận hưởng thêm niềm hạnh phúc mới khi đón bé trai đầu lòng, Kiên cười và tâm sự: “Có thể khi có con, tôi phải tổ chức lại cuộc sống một chút”.
Ngoài chuyển mạng giữ số, một sản phẩm quan trọng khác mà Kiên hoàn tất trong năm 2015 là hoá đơn điện tử (đã áp dụng với nghiệp vụ cước trả sau của Viettel Telecom trên toàn quốc từ tháng 1/2016). Hệ thống này có thể quản lý khoảng 8,5 triệu hoá đơn, giúp tiết kiệm chi phí in ấn, vận chuyển khoảng 9 tỷ đồng/năm.
“So với những nơi khác, công việc tại Viettel luôn đòi hỏi thời gian hoàn thành ngắn hơn và làm nhiều việc cùng lúc. Tôi đã quen với chuyện đó và luôn thấy hào hứng với công việc đang làm”, chàng kỹ sư tâm sự.