Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Intel. Ảnh: Đức Thanh |
Cơ hội lớn, thách thức cũng lớn
Một cuộc họp bàn của Tổ công tác triển khai các hợp tác với Tập đoàn NVIDIA vừa được tổ chức vào chiều qua (11/6). Thông tin chi tiết không được tiết lộ, song đây là một trong những động thái quan trọng nhằm thúc đẩy các hoạt động hợp tác đầu tư của NVIDIA - tập đoàn mới đây đã vượt Apple để trở thành công ty có giá trị vốn hóa lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Microsoft.
Kể từ sau chuyến thăm Việt Nam của tỷ phú Jensen Huang, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA và sau đó là Phó chủ tịch Keith Strier, cơ hội hợp tác giữa hai bên ngày càng rộng mở. Nhiều thông tin cho biết, NVIDIA muốn thiết lập Trung tâm R&D và đào tạo về trí tuệ nhân tạo (AI); lắp đặt hệ thống siêu máy tính; chuyển một phần việc sản xuất các bộ vi xử lý hình ảnh (GPU) cho các siêu máy tính sang Việt Nam.
Chưa biết các kế hoạch trên sẽ được NVIDIA hợp tác thực hiện ra sao, nhưng thỏa thuận đầu tiên với Tập đoàn FPT về mở một nhà máy AI tại Việt Nam bắt đầu được triển khai.
Trong khi đó, Marvell, nhà thiết kế chip tỷ USD của Mỹ, mới đây công bố kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ với báo giới hồi trung tuần tháng 5/2024, ông Lợi Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao về Cloud Optics của Marvell cho biết, Marvell từ 1 tháng trước đó đã mở văn phòng mới tại Đà Nẵng và tiếp tục mở văn phòng thứ hai tại TP.HCM ngay trong năm nay.
“Điều này không chỉ củng cố cam kết lâu dài của Marvell đối với thị trường Việt Nam, mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển trung tâm thiết kế vi mạch đẳng cấp thế giới ngay tại Việt Nam”, ông Lợi Nguyễn chia sẻ.
Cơ hội rõ ràng đang mở ra với Việt Nam. Tuy vậy, cùng thời điểm các cam kết trên được đưa ra với Việt Nam, tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới TSMC (Đài Loan) cũng rục rịch kế hoạch xây 3 nhà máy chip tại Arizona (Mỹ). Bộ Thương mại Mỹ đã có những thỏa thuận sơ bộ về việc hỗ trợ 11,6 tỷ USD cho TSMS, trong đó hỗ trợ tài chính 6,6 tỷ USD và cho vay lên tới 5 tỷ USD.
Trước đó, phía Mỹ đã thông qua một thỏa thuận sơ bộ khác với Intel, với khoản hỗ trợ, gồm cả tiền tài trợ và cho vay tới 20 tỷ USD. Trong khi đó, Samsung dự kiến cũng nhận được khoản hỗ trợ khoảng 6 tỷ USD để xây nhà máy bán dẫn ở Mỹ.
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất sẵn sàng dốc hầu bao để có thể nhận được khoản đầu tư hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ USD của các ông lớn ngành bán dẫn. Đức, Israel, Ba Lan, Nhật Bản cũng từng công bố hỗ trợ lớn cho Intel, TSMC…
Thông tin cho biết, từ cuối năm 2023 tới nay, nhiều nước trên thế giới đã công bố các gói hỗ trợ quy mô lớn để kích thích kinh tế và thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. Chẳng hạn, Hàn Quốc công bố kế hoạch gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip. Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD để thúc đẩy năng lực tự chủ của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Còn Ấn Độ đã quyết định hỗ trợ tới 50% chi phí đầu tư đối với 3 nhà máy sản xuất và thử nghiệm chip có tổng quy mô đầu tư khoảng 15 tỷ USD…
Nhanh tay hút đầu tư vào bán dẫn, AI
“Nhà giàu” sẵn sàng chi lớn khiến cuộc đua thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn thêm gay gắt, căng thẳng. Liệu Việt Nam có thể giành chiến thắng trong cuộc đua đó? Đây thực sự là một câu hỏi không đơn giản, dù thực tế, mọi so sánh đều là khập khiễng. Tuy vậy, có một điều chắc chắn, nếu muốn chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành này, thì Việt Nam cần nhanh tay hơn nữa.
“Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam, nhưng chúng ta chỉ có 3-5 năm để nắm bắt. Nhưng để bắt đầu đào tạo nhân lực cho ngành này ở bậc đại học thì phải mất 5 năm. Nếu không nhanh, sẽ bị lỡ cơ hội”, ông Lê Trường Tùng, Giám đốc FPT Education, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học FPT chia sẻ.
Theo ông Tùng, đây là một thách thức không nhỏ cho Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030, để không chỉ cung ứng cho Việt Nam mà cho cả thị trường toàn cầu.
Cần có các chính sách ưu đãi trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, xác định rõ phương thức đào tạo cho nhân lực ngành bán dẫn, có thể trước mắt tập trung đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng đã có bằng cấp nhất định… Đó là điều được ông Tùng khuyến nghị.
“Chúng tôi đang làm việc với các công ty Hàn Quốc, Đài Loan, công ty nước ngoài đã đầu tư trong lĩnh vực này tại Việt Nam để cung cấp nhân lực đúng theo nhu cầu của họ, đảm bảo nhanh, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Chúng tôi đang cố gắng trong năm nay hình thành mối quan hệ cung cấp nhân lực với 10 đối tác và làm thế nào sau 1 năm có thể đẩy ra bên ngoài 1.000 nhân lực để có thể tham gia cuộc chơi này”, ông Lê Trường Tùng nói.
Nhưng đó mới là câu chuyện đào tạo nhân lực và là của riêng FPT. Bài toán 50.000 nhân lực bán dẫn đến năm 2030 không phải dễ dàng. Chưa kể, còn là làm sao cạnh tranh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này? Năm ngoái, đã có thông tin cho rằng, Intel lựa chọn Ba Lan để đầu tư dự án sản xuất chip quy mô lớn, thay vì Việt Nam. Cơ chế, chính sách, đặc biệt là các hỗ trợ về tài chính có thể là một trong những lý do khiến Intel đến Ba Lan, đến Đức và đến Israel…
Việt Nam vẫn đang nỗ lực xây dựng Quỹ Hỗ trợ đầu tư và sẵn sàng dành cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. Dự kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư trong tháng 6 này.
Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “đầu đàn”, doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chip, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý IV/2024.
Những chính sách trên, nếu sớm được thông qua, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng tốc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực bán dẫn, AI.