Tiêu dùng
Nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, máy móc tăng vọt theo đơn hàng xuất khẩu
Hải Yến - 06/03/2024 11:05
Trước sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu trong hai tháng đầu năm 2024 đã kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ.
Chi nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2% so với cùng kỳ.

Bộ Công thương vừa có báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 2 tháng đầu năm 2024, với nhiều điểm sáng về xuất nhập khẩu đầu năm.

Hoạt động nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào và máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu đã có sự tăng trưởng tích cực.

Cụ thể, 2 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%; khu vực FDI đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.

"Nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm tới 94% và tăng 22,2%, trong đó nhập khẩu nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm tới 47%; tăng gần 25% cho thấy dấu hiệu tích cực về sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu", Báo cáo nêu.

Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong hai tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 13,3%), trong đó xuất khẩu tăng 19,2%; nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD

Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất, ước đạt 15,56 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm tới 28% tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước.

Tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng cũng tăng tới 24,8%, đạt gần 7 tỷ USD; nhập khẩu vải tăng 15,4%, đạt 1,98 tỷ USD; sắt thép tăng 62,7%, đạt 1,95 tỷ USD, điện thoại các loại và linh kiện tăng 17,7%; …

2 tháng qua, cả nước có 13 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm 71% tổng kim ngạch nhập khẩu (trong đó có 02 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 41,3%).

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 26,7%, châu Âu tăng 14,7%, nhập từ ASEAN tăng 2,2%...

Tiếp đà phục hồi của các tháng cuối năm ngoái, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu phục hồi tích cực, đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ, với 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 04 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%.

Có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 33,9%; hàng dệt may tăng 15%... 

Tin liên quan
Tin khác