Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Cẩu thả phương án tài chính
Kiểm toán Nhà nước vừa thông báo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1, gồm đoạn Km987 - Km1027 và đoạn Km947 - Km987 qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức hợp đồng BOT. Thực chất, đây là 2 dự án độc lập do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco5) và một số đơn vị có vốn góp đầu tư, trong đó Dự án thành phần 2 mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km987 - Km1027 do Cienco5 là nhà đầu tư, với doanh nghiệp dự án là Chi nhánh Cienco5 (Cienco5 - BOT); Dự án thành phần 1 mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 - Km987 do Công ty cổ phần Xây dựng công trình 545 là nhà đầu tư với doanh nghiệp dự án là CECO545 - BOT.
Theo ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước, tính đến thời điểm ngày 31/12/2015, Dự án thành phần 1 có giá trị được kiểm toán là 880 tỷ đồng, số kiểm toán là 854 tỷ đồng, chênh lệch giảm 26 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 có giá trị được kiểm toán là 848 tỷ đồng, số kiểm toán là 840 tỷ đồng, chênh lệch giảm 8 tỷ đồng.
“Vết gợn” lớn nhất tại 2 dự án BOT này dưới góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước đều liên quan trực tiếp tới việc tính toán, xác lập một số chỉ tiêu quan trọng trong phương án tài chính và đề án thu phí.
Tại Dự án đoạn Km947-Km987, Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhà đầu tư, đơn vị tư vấn (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông - vận tải – TEDI và Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông 5 – TECCO5) đã không thực hiện khảo sát lưu lượng phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 qua Quảng Nam tại thời điểm lập Dự án (năm 2013); không đưa nguồn thuế giá trị gia tăng được hoàn vốn vào phương án tài chính, dẫn đến việc tính toán hoàn vốn không chính xác.
Cụ thể, doanh thu thu phí để hoàn vốn cho Dự án đoạn Km947-Km987 đang được dựa vào giá trị hoàn vốn tạm tính theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT số 49/CĐBVN giữa Cục Đường bộ Việt Nam và Công ty cổ phần 545 về Dự án Mở rộng nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước - Tứ Câu - Vĩnh Điện (Hợp đồng BOT số 49) được lập cách đó hơn 5 năm (năm 2007).
Sau khi Kiểm toán Nhà nước tính toán, cập nhật lại, thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án đoạn Km946 - Km987 chỉ còn 7 năm 10 tháng 8 ngày, giảm 1 năm 11 tháng 2 ngày so với phương án tài chính trong Đề án thu phí.
Tại Dự án đoạn Km987 - Km1027, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tổng vốn đầu tư theo phương án tài chính cao hơn hơn tổng vốn đầu tư sau khi cập nhật lại tổng mức đầu tư gần 70 tỷ đồng. Các đơn vị liên quan cũng xác định giá trị hoàn vốn của Dự án bao gồm cả thuế giá trị gia tăng được khấu trừ không phù hợp là 100,5 tỷ đồng. Sau khi Kiểm toán Nhà nước tính toán lại các chỉ tiêu, thời gian hoàn vốn Dự án đã giảm 1 năm 7 tháng 7 ngày.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng, do Dự án chậm thu phí hoàn vốn gần 4 tháng, nên đã gây lãng phí 814 triệu đồng.
Đó là sự cẩu thả khó chấp nhận của đơn vị tư vấn, nhà đầu tư cũng như đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền – Ban Quản lý dự án 5 -PMU5 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tại 2 dự án BOT nêu trên.
Yếu kém năng lực
Không chỉ không phát hiện những sai sót lớn trong phương án tài chính, PMU5 – với tư cách là đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn thể hiện sự yếu kém về năng lực quản lý 2 hợp đồng BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Nam.
Tại Dự án đoạn Km947 – Km987, đến ngày 31/12/2015, công tác thi công xây lắp đã cơ bản kết thúc, nhưng tiến độ huy động vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư mới đạt 11,69%, chưa đảm bảo 15% tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành.
Tại Dự án đoạn Km987 - Km1027, trong một số giai đoạn, tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu thấp hơn nhiều so với quy định. Đơn cử, tại thời điểm 31/12/2015, tỷ lệ vốn vay và vốn chủ sở hữu là 14,12%/85,88% là chưa phù hợp với tỷ lệ góp vốn theo yêu cầu của hợp đồng BOT.
Điều đáng nói là, trong quá trình triển khai 2 dự án, PMU5 đều thực hiện kiểm tra, xác nhận, nhưng không rõ lý do gì mà đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã không phát hiện ra sai sót trên.
Đây cũng là lý do mà PMU5 bị Kiểm toán Nhà nước phê khá nặng trong số các chủ thể tham gia đầu tư Dự án. Cụ thể, đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra những sai sót tại 2 dự án ở các khâu: tính tổng mức đầu tư, phương án tài chính, huy động vốn của chủ đầu tư; việc chấp thuận đối với cam kết tài trợ vốn không đúng thẩm quyền; khởi công dự án khi chưa có giấy chứng nhận đầu tư; chậm thực hiện quan trắc môi trường và quản lý an toàn giao thông khi thực hiện dự án.
“Các đơn vị liên quan phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kết quả thực hiện về Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV trước ngày 31/12/2016”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng kiểm toán Nhà nước yêu cầu.