Ảnh minh họa. |
Nhìn tổng quát, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, xuất khẩu tuy vẫn tăng 19,8%, nhưng đã thấp hơn tốc độ của 8 tháng (21,8%), cho thấy đà tăng xuất khẩu bị chậm lại. Đặc biệt, so với tốc độ tăng của nhập khẩu thì vẫn còn thấp xa (nhập khẩu tăng 32,2%). Quy mô và tốc độ tăng của nhập khẩu cao hơn xuất khẩu dẫn đến nhập siêu cao.
Trong nửa đầu tháng 9, quy mô của xuất khẩu nhỏ hơn nhập khẩu (11.568,3 triệu USD so với 13.081,6 triệu USD). Nhiều mặt hàng xuất khẩu nửa đầu tháng 9 giảm so với cùng kỳ năm trước và giảm so với nửa đầu tháng 8/2021. Trái lại, nhiều mặt hàng nhập khẩu tăng so với cùng kỳ và tăng so với nửa đầu tháng 8/2021, trong đó có những mặt hàng có mức kim ngạch tăng lớn như lúa mì, ngô, đậu tương, hóa chất, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, bông, sắt thép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện...
Tính từ đầu năm đến ngày 15/9, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước tăng cả về quy mô và về tỷ lệ nhập siêu. Xuất khẩu đạt 58.881 triệu USD, chỉ tăng 9,1%, trong khi nhập khẩu tới 79.688 triệu USD, tăng tới 26,9%. Điều đó chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước chưa tranh thủ thuế suất ưu đãi khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu đạt 166.317,1 triệu USD, tăng 24,1%, nhập khẩu đạt 149.696,8 triệu USD, tăng 35,2%, xuất siêu 16.620,3 triệu USD. Song tình trạng gia công, lắp ráp của khu vực này vẫn còn cao.
Nguyên nhân chính của nhập siêu đến từ việc thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ trong nước. Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua, cho thấy nhiều ngành nghề của Việt Nam chỉ là khâu “trung gian” dịch vụ thương mại, thay vì sản xuất và cung ứng.
Theo Bộ Công thương, trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp đã đẩy rất mạnh nhập khẩu linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và nông sản để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Một nguyên nhân khác dẫn đến nhập siêu tăng cao là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, trong đó tác động mạnh hơn đối với khu vực kinh tế trong nước.
Cụ thể, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử - nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và khiến xuất khẩu bị ảnh hưởng. Các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ hiện đang nhập nguyên liệu để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, trả hàng theo đơn đã đặt của các đối tác nước ngoài từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng.
Bên cạnh đó, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.
Mới qua 2/3 thời gian của năm, nhưng đã có 12 thị trường mà Việt Nam nhập siêu trên 1 tỷ USD là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Kuwait, Iceland, Malaysia, Australia, Indonesia, Argentina, Brazil, Nhật Bản. Trong đó, có những thị trường Việt Nam nhập siêu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước như Trung Quốc (16.615,7 triệu USD); Hàn Quốc (4.909,3 triệu USD); Đài Loan (3.308,9 triệu USD); Thái Lan (1.089,3 triệu USD)...
Trong các tháng còn lại của năm 2021, nhập siêu có xu hướng tăng lên, là một cảnh báo đáng lo ngại.
Để ngăn chặn xu hướng này, quan trọng nhất là kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đồng thời hỗ trợ việc xuất khẩu (từ nguồn hàng, vận chuyển, cảng, đến thị trường), kiểm soát chặt nhập khẩu các loại mặt hàng, với những mặt hàng có trình độ kỹ thuật công nghệ thấp thì kiên quyết loại bỏ.n