Với động thái này, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế đầu tiên trong 12 thành viên TPP, bao gồm Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam thông qua TPP.
Việc tham gia TPP nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, với tỷ phú Donald Trump thì hoàn toàn ngược lại. Do vậy, ngay khi ông Trump vượt qua bà Hillary Hilton để giành chiến thắng, nhiều ý kiến quan ngại đã cho rằng, TPP “chỉ còn là lịch sử”.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ có cuộc gặp tân Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Thậm chí, sau quyết định bất ngờ của Hạ viện Nhật Bản ngày ông qua, thì ông Marcel Thieliant, chuyên gia từ Capital Economics, đã thẳng thắn nhận xét rằng: “Nỗ lực thông qua TPP của Nhật Bản là vô ích”.
Tuy nhiên, theo ông Toshihiro Nikai, Tổng thư ký đảng LDP của Thủ tướng Abe, Nhật Bản vẫn chưa từ bỏ việc thuyết phục Mỹ thông qua TPP.
Đó cũng có thể là lý do vì sao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ngay lập tức lên lịch gặp gỡ ông Donald Trump vào tuần tới tại New York.
Trong khi Nhật Bản thông qua TPP ngày hôm qua, thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell, cũng đã bác bỏ mọi hy vọng rằng TPP sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại Quốc hội Mỹ trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng Một tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo nhanh ở Thủ đô Washington, ông McConnell khẳng định: “Chắc chắn là thỏa thuận này sẽ không được đưa ra bàn thảo trong năm nay”.
Điều này có nghĩa, quyền quyết định số phận của TPP sẽ được trao vào tay chính quyền của Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức. Tương lai của TPP xem ra là khá bế tắc.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, kể cả khi TPP không được Quốc hội Mỹ thông qua tại cuộc họp cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama, thì cũng không hẳn là đã hết hy vọng. Vẫn có những khả năng dù nhỏ nhoi để ông Trump có thể thay đổi ý định về TPP sau khi nhậm chức.
Nguyên nhân chính khiến ông Trump phản đối TPP trong quá trình tranh cử là vì các hiệp định thương mại tự do đã lấy đi nhiều việc làm và cơ hội tăng thu nhập của người dân thông qua việc các doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà xưởng sang các quốc gia khác, mà điển hình là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Để giải quyết vấn đề này không nhất thiết phải tẩy chay các hiệp định thương mại. Chỉ cần thực hiện các biện pháp giảm thuế, ông Trump đã có thể giữ việc làm ở lại Mỹ.
Và nếu giải pháp giảm thuế phát huy tác dụng, thì Tổng thống Trump có thể sẽ thay đổi quan điểm về TPP, khi hiệp định này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Thêm nữa, một điều cũng phải nói tới, đó là sau khi trở thành Tổng thống, ông Trump cũng sẽ phải xem xét nhiều hơn đến quan điểm của đại bộ phận người dân Mỹ thay vì chỉ tập trung vào những người ủng hộ trong quá trình tranh cử.
Theo khảo sát của hãng Pew, 40% người dân Mỹ ủng hộ thông qua TPP, trong khi số phản đối chỉ chiếm khoảng 35%. Ngoài người dân, thì các doanh nghiệp Mỹ vốn được xem là đối tượng hưởng lợi ích chính từ TPP gần như chắc chắn sẽ tiếp tục vận động để Quốc hội thông qua hiệp định này.
Do vậy, giới quan sát cho rằng, ông Trump có thể rất mạnh mẽ khi tuyên bố phản đối TPP trong giai đoạn tranh cử, nhưng khi đã ngồi vào chiếc ghế Tổng thống và phải đối mặt với những sức ép và tác động từ mọi phía, thì mọi chuyện có thể sẽ khác.
Liên quan đến vấn đề này, hôm qua, khi trao đổi với báo giới ngoài hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, không thể nói trước được mà phải chờ đợi chính sách mới của tân Tổng thống Mỹ.
“Tất nhiên, diễn biến có thể khá phức tạp, không giống như dự đoán và chắc chắn với nhân vật như ông Trump, Tổng thống mới của Mỹ sẽ có những động thái ảnh hưởng đến tâm lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp trong các dòng chảy của thương mại của thế giới. Thế nhưng, chúng ta phải đợi xem vì từ những thông tin, quan điểm trong vận động tranh cử đến thực thi chính sách của chính thể mới phải có thời gian”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói và khẳng định rằng, Việt Nam có quan điểm, chính sách nhất quán trong việc hội nhập chủ động, sâu, rộng với thế giới và TPP cũng là một hướng đi đó.
“Trong việc xây dựng TPP chúng ta cũng đi theo dòng chảy chung của thương mại thế giới. Các thay đổi hay bất cứ tình hình phức tạp gì thì chúng ta sẽ còn thời gian dự đoán, tiếp tục xây dựng các phương án, nhưng cái đó phải dựa trên cơ sở của các chính sách đối ngoại được công bố chính xác”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nếu vậy, thì cũng chưa vội thất vọng vì TPP. Vẫn còn những “tia sáng” dù nhỏ nhoi ở cuối đường hầm. Và tất cả sẽ phải chờ đợi vào đường lối đối ngoại mà Tổng thống Donald Trump sẽ công bố sau khi nhậm chức vào đầu năm tới.