Một góc đường phố ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 19/9/2024. Ảnh: AFP |
Nhật Bản ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống tăng 2,8% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm trước, từ mức 2,7% trong tháng 7, do chi phí thực phẩm chế biến tăng thêm.
Số liệu trên được Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố sáng ngày 20/9 và kết quả này khớp với ước tính chung.
Tất cả 53 nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25% khi kết thúc cuộc họp chính sách vào cuối ngày 20/9. Họ cho rằng cơ quan tiền tệ Nhật Bản sẽ tiến hành đợt tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 12.
Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ chuyển động chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sau khi cơ quan này bị chỉ trích vì đợt tăng lãi suất và các tín hiệu chính sách tiền tệ "diều hâu" vào tháng 7.
Thực tế, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã phát tín hiệu rằng họ có kế hoạch tăng lãi suất thêm nữa nếu lạm phát diễn biến theo đúng dự báo, đồng thời cho biết lãi suất thực tế vẫn ở mức âm đáng kể.
Chỉ số giá tiêu dùng không bao gồm thực phẩm tươi sống - thước đo lạm phát chính của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - hiện duy trì ở mức hoặc cao hơn mục tiêu 2% của cơ quan này trong 29 tháng.
"Giá cả vẫn tương đối ổn định và BOJ có thể nói rằng họ đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu ổn định lạm phát 2%", Yuichi Kodama, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda cho biết. "Lãi suất tăng thêm trong năm nay vẫn có thể xảy ra".
"Chỉ số CPI tháng 8 của Nhật Bản tăng có thể sẽ củng cố niềm tin của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản rằng lạm phát, được thúc đẩy bởi mức tăng trưởng tiền lương mạnh hơn, đang chi phối xu hướng giá cơ bản", ông Taro Kimura, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics.
Một thước đó lạm phát sâu hơn, không bao gồm chi phí năng lượng và giá thực phẩm tươi sống, đã tăng 2% trong tháng 8, từ mức 1,9% trong tháng 7.
Đáng chú ý, giá dịch vụ, vốn được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản coi là thước đo chính để xem xét xu hướng giá, đã tăng 1,4% trong tháng 8, so với cùng kỳ năm trước, nhưng không thay đổi so với tốc độ tăng của tháng 7.
Trước đó, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Shinichi Uchida cho biết cơ quan này sẽ không tăng lãi suất khi thị trường bất ổn. Tuy nhiên, các quan chức khác, bao gồm Thống đốc Ueda, đã nhấn mạnh thực tế rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng lãi suất nếu giá cả và nền kinh tế diễn biến như dự báo của cơ quan này.
Việc hoạch định chính sách tiền tệ lần này của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản diễn ra ở thời điểm nhạy cảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã mạnh tay cắt giảm 0,5% lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 9.
Động thái của Fed đã đẩy đồng yên Nhật lên cao hơn so với đồng đô la Mỹ. Bất kỳ tín hiệu diều hâu nào nữa từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đều có thể khiến đồng yên mạnh hơn nữa, điều này có thể gây áp lực lên giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu Nhật Bản.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2024 của Nhật Bản tăng trưởng 2,9% so với quý trước đó, theo dữ liệu điều chỉnh được Văn phòng Nội các công bố hôm nay 9/9. Kết quả này thấp hơn mức tăng trưởng ước tính sơ bộ là 3,1% và mức dự báo tăng trưởng trung bình của các nhà kinh tế là 3,2%, theo Reuters.
Các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hy vọng rằng, mức tăng lương mạnh mẽ trong năm nay sẽ giúp các hộ gia đình ứng phó với lạm phát tốt hơn, giúp cái gọi là chu kỳ kinh tế lành mạnh bén rễ trong nền kinh tế. Thật vậy, tiền lương thực tế của Nhật Bản đã tăng trong 2 tháng liên tiếp.