Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hôm nay tăng hơn 1%. Ảnh: AFP |
Chứng khoán Nhật Bản hôm 13/1 vẫn đóng cửa tăng điểm bất luận thông tin chính phủ nước này mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 vẫn tăng 1,04% lên 28.456,59 điểm còn chỉ số Topix nhích 0,35% lên 1.864,40 điểm.
Truyền thông Nhật Bản đưa tin, Thủ tướng Yoshihide Suga hôm 13/1 đã mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp sang 7 tỉnh Osaka, Kyoto, Hyogo, Aichi, Gifu, Tochigi và Fukuoka, nâng tổng số các tỉnh/thành tại Nhật Bản bị áp dụng tình trạng khẩn cấp lên 11/47.
Trước đó, vào ngày 8/1 chính quyền Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp đối với thủ đô Tokyo cũng như một số tỉnh lân cận gồm Kanagawa, Chiba, và Saitama, sẽ kéo dài đến ngày 7/2.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm nay đóng cửa trong sắc đỏ, với chỉ số Shanghai Composite trượt 0,27% xuống 3.598,65 điểm còn chỉ số Shenzhen Component giảm 0,612% còn 15.365,43 điểm.
Trên thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng không ghi nhận biến động lớn trong ngày giao dịch 13/1 nhưng vẫn đóng cửa giảm 0,15% xuống 28.235,60 điểm. Cổ phiếu Lenovo niêm yết tại Hong Kong vọt tăng hơn 10% sau khi hãng sản xuất máy tính Trung Quốc tiết lộ kế hoạch niêm yết tại thị trường Thượng Hải.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi hôm nay tăng 0,71% lên 3.148,29 điểm. Chứng khoán Australia hôm nay cũng đóng cửa tăng nhẹ với chỉ số S&P/ASX 200 nhích 0,11% lên 6.686,60 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) đạt mức tăng 0,55%.
Liên quan đến dịch Covid-19 tại Trung Quốc, chính quyền các địa phương gần thủ đô Bắc Kinh đang tăng cường các biện pháp hạn chế hoạt động xã hội sau khi ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng lên.
Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về thị trường Trung Quốc của Công ty tài chính Nomura, cho rằng: "Tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ sẽ tác động đến hoạt động kinh tế và các thị trường có thể hạ triển vọng về nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén sẽ tăng mạnh trong những ngày nghỉ (Tết Nguyên đán) vào giữa tháng 2".
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua tăng 60 điểm lên mức 31.068,69 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite đóng cửa nhích 0,3% lên 13.072,43 điểm, còn chỉ số S&P 500 tăng nhẹ lên 3.801,19.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 đạt 1,187%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020, nhưng sau đó sụt giảm và đóng cửa ở mức 1,1189%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ gần đây tăng lên từ khi đảng Dân chủ chiếm đa số ở cả Hạ viện và Thượng viện, khiến cánh cửa đạt được các gói kích thích tài chính bổ sung thời Covid-19 trở nên rộng mở.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục theo dõi động thái của Washington sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tối 12/1 cho biết ông sẽ không chấp thuận phế truất Tổng thống Trump. Tuyên bố của ông Pence được đưa ra sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ nắm quyền đã thông qua một nghị quyết thúc giục ông Pence và chính phủ Mỹ phế truất ông Trump ra khỏi Nhà Trắng với cáo buộc ông Trump kích động biểu tình bạo loạn tại Điện Capitol vào tuần trước.
Diễn biến căng thẳng trên chính trường Mỹ diễn ra vài ngày trước lễ nhậm chức chính thức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1 tới.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm về 89,90, so với mức 90,037 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật Bản nhích giá so với đầu tuần khi quy đổi 103,66 JPY/USD, còn đô la Australia cũng mạnh lên và trao tay 1 AUD/0,7771 USD, so với mức 1 AUD/0,77 USD hồi đầu tuần.
Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay đi lên, với giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng 0,74% và giao dịch 57,00 USD/thùng còn giá dầu thô giao sau của Mỹ tăng 0,68% lên 53,57 USD/thùng.