Thời sự
Nhiệt điện Ô Môn III tiếp tục dùng vốn vay ODA và chờ quyết định đầu tư
Thanh Hương - 18/09/2021 07:54
Từng có ý định dùng vốn vay thương mại để đầu tư Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn III nhưng hiện EVN lại tiếp tục chọn sử dụng vốn vay ODA để thực hiện dự án này.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 6530/VPCP-QHQT ngày 16/9/2021 thông báo ý kiến của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh liên quan đến đề nghị  của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc giải quyết kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về phương án triển khai Nhà máy điện ô Môn III, Tân Phước I&II.

Theo ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo EVN khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện Ô Môn III ngay sau khi Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài được Chính phủ ban hành.

Mặt bằng tại Trung tâm nhiệt điện Ô Môn đã được chuẩn bị từ cả chục năm nay để chờ các nhà máy còn lại

Thông báo cũng nhắc tới yêu cầu, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và EVN chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả, tiến độ của dự án.

Cũng trong ngày 16/9/2021, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản 6535/VPCP-CN thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành với đề nghị của các nhà đầu tư nước ngoài là MOECO và PTTEP gửi ngày 25/8 về tiến độ chuỗi Dự án khí điện Lô B - các vướng mắc khâu hạ nguồn và kiến nghị.
Theo ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ Công thương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài; đôn đốc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các chỉ đạo của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh liên quan đến Dự án Nhà máy điện Ô Môn III và trả lời cho các nhà đầu tư nước ngoài được biết.
Được biết việc chậm chễ ra quyết định chủ trương đầu tư của Dự án Nhà máy điện Ô Môn III này cũng kéo theo cả chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn bị ảnh hưởng khiến Mitsui Oil Exploration Co., Ltd (MOECO), PTT Exploration và Công ty TNHH Production Public (PTTEP) - những đối tác nước ngoài đang nắm chi phối trong Dự án khai thác khí Lô B và Dự án đường ống khí Lô B - Ô Môn sốt ruột và ngày 25/8/ 2021 đã có thư gửi tới Chính phủ cùng các cơ quan hữu trách, kỳ vọng sớm tháo gỡ các vướng mắc bấy lâu để chuỗi dự án này thoát khỏi cảnh bế tắc.
Đây là lần thứ ba, các đối tác nước ngoài nói về các vướng mắc của chuỗi dự án, sau hai lần trước đó (tháng 7/2020 và tháng 9/2020) mà chưa có kết quả.
Theo phản ánh, để dự án thượng nguồn đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID), thì một trong những điều kiện cần thỏa mãn là có được cam kết mua khí của đủ 4 nhà máy điện sẽ tiêu thụ khí Lô B ở Trung tâm Điện lực Ô Môn, gồm Ô Môn I, II, III và IV.
Tuy nhiên, với thực tế chưa có phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III, nên các bên chưa đủ cơ sở pháp lý để hoàn tất và ký hợp đồng mua bán khí.
Cũng do tiến độ tiếp nhận khí của nhà máy điện chưa rõ ràng, nên dự án thượng nguồn vẫn chưa thể đánh giá thầu EPCI, dù đã 4 lần gia hạn hiệu lực.
Bởi vậy, các nhà đầu tư khai thác mỏ và đường ống dẫn khí rất kỳ vọng, các vướng mắc của Dự án Nhiệt điện Ô Môn III sẽ được giải quyết dứt điểm trong tháng 10/2021. Từ đó, các bên có thể xác định được thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhiệt điện Ô Môn III và có FID vào quý I/2022. Và như vậy phải tới cuối năm 2025 mới có dòng khí đầu tiên từ Lô B.

Như Báo Đầu tư -baodautu.vn đã đưa tin, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III đã được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản vào năm 2012. Theo đó, EVN là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA, ký với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA).

Tháng 3/2013, Việt Nam và Nhật Bản ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III với giá trị 27,901 tỷ yên. Hiệp định vay vốn của JICA sẽ được các bên ký kết khi có kết quả đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí.

Vào tháng 7/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã đề nghị và sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1015/QĐ-TTg, ngày 14/8/2019 về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Dự án.

Ngày 1/1/2020, Luật Đầu tư công có hiệu lực. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng áp dụng các quy định của Luật Đầu tư công để thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III; đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án.

Điểm mấu chốt của tiến trình triển khai dự án này là thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thì không biết thuộc về cấp nào.

Tháng 12/2020, Chính phủ có tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề trên. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kết luận, việc sử dụng vốn vay ODA cho doanh nghiệp vay lại 100% đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không ban hành nghị quyết để giải thích vấn đề này.

Bởi vậy, ngày 25/3/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp toàn bộ hồ sơ Dự án.

Vào ngày 23/4/2021, EVN đã đề xuất chuyển từ phương án vay vốn ODA của JICA sang sử dụng nguồn vốn vay  thương mại trong và ngoài nước để triển khai Dự án nhiệt điện Ô Môn III.

Ngày 7/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2999/VPCP-QHQT thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan xử lý đề xuất của EVN, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vào ngày 23/7/2021, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đã có báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Hội đồng Thành viên EVN tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan, trong đó lưu ý ý kiến về xem xét, đánh giá kỹ đề xuất chuyển từ sử dụng vay vốn ODA của Nhật Bản sang vay vốn thương mại để không ảnh hưởng quan hệ ngoại giao.

Đồng thời nghiên cứu, đề xuất chi tiết các phương án phù hợp để triển khai dự án, trong đó phân tích cụ thể ưu điểm, nhược điểm, tính hiệu quả, tính khả thi của từng phương án để làm cơ sở đánh giá, xem xét cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư dự án.

Tại công văn 5277/VPCP-QHQT ngày 2/8, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đã có ý kiến về báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, EVN tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến, hướng dẫn của các bộ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về đề xuất chuyển từ sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản sang vốn vay thương mại cho Dự án này. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng được giao chỉ đạo EVN tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các phương án phù hợp triển khai Dự án, trong đó cần phân tích cụ thể ưu, nhược điểm, tính hiệu quả, khả thi của từng phương án để làm cơ sở đánh giá, xem xét.

Sau đó EVN lại quay về phương án dùng vốn ODA cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn III và trình lên các cơ quan chức năng, rồi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã trình lên Chính phủ kiến nghị này vào ngày 10/9/2021.

Tin liên quan
Tin khác