Phí dịch vụ yêu cầu khám chữa bệnh, đặc biệt với các kỹ thuật cao như phẫu thuật, đã giảm mạnh tại nhiều bệnh viện |
Giảm giá nhiều dịch vụ
Qua khảo sát của phóng viên tại một số cơ sở y tế, giá một số dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đã giảm mạnh.
Chẳng hạn, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu được niêm yết công khai trên trang website cho thấy, hầu hết trong số 1.478 các dịch vụ khám chữa bệnh yêu cầu của bệnh viện bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, nhưng giảm mạnh so với giá áp dụng trước đây.
Theo đó, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu áp giá chung từ ngày 15/8 là 500.000 đồng (gồm khám theo yêu cầu 1, khám theo yêu cầu 4 và khám chuyên gia) theo kịch trần của Thông tư 13, không còn chia ra các mức khám bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư như trước.
Cũng tại bệnh viện này, giá tiêm, truyền tĩnh mạch giảm từ 100.000 đồng xuống 46.000 đồng; giá siêu âm giảm từ 300.000 đồng xuống 196.000 đồng; siêu âm tim giảm từ 500.000 đồng xuống 380.000 đồng; siêu âm đầu dò âm đạo, trực tràng giảm từ 500.000 xuống 287.000 đồng...; chụp XQ số hóa giảm từ 300.000 đồng xuống 227.000 đồng...
Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ kỹ thuật khác cũng được điều chỉnh giảm sâu như điều trị thoát vị đĩa đệm qua da dưới hướng dẫn của cắt lớp hoặc cộng hưởng từ từ 13 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng/lượt; chụp cắt lớp vi tính trên ổ bụng tầng thường quy giảm từ 5,6 triệu đồng xuống còn gần 2,4 triệu đồng/lượt…
Các dịch vụ phẫu thuật bắc cầu thiếu máu mạn tính chi từ 43 triệu đồng giảm còn gần 13 triệu đồng; phẫu thuật nối tắt tĩnh mạch chủ - động mạch phổi điều trị bệnh tim bẩm sinh phức tạp từ 61 triệu đồng xuống còn hơn 37 triệu đồng/lượt; phẫu thuật thay động mạch chủ giảm từ 74 triệu đồng xuống 35,2 triệu đồng; phẫu thuật thay vết thương sọ não hở từ 14 triệu đồng còn gần 8,5 triệu đồng; phẫu thuật cắt cụt chi từ 13 triệu đồng còn 6 triệu đồng...
Tại Bệnh viện Bạch Mai, trước kia, mức khám giáo sư, phó giáo sư là 150.000 đồng; tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 120.000 đồng; thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I là 70.000 đồng. Nay, mức khám giáo sư, phó giáo sư, bác sĩ cao cấp là 400.000 đồng; khám tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II là 350.000 đồng, còn thạc sĩ, bác sĩ khám là 300.000 đồng.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, từ ngày 15/8, giá sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng; còn với đẻ thường, giá dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng xuống còn hơn 4,3 triệu đồng.
Tại Bệnh viện E, theo Giám đốc Bệnh viện, PGS-TS Nguyễn Công Hựu, hiện tại, bệnh viện này chỉ có mức khám 300.000 đồng, không phân biệt bác sĩ hay thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư.
Tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội), hiện vẫn áp dụng mức giá khám theo yêu cầu như trước, là 389.000 đồng trong giờ hành chính, nếu khám ngoài giờ thì thêm 50.000 đồng.
Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân
Dù giảm giá một số dịch vụ, song theo ghi nhận của phóng viên, giá một số dịch vụ khác, như tiền phòng lại có xu hướng tăng. Ví dụ, giá giường từ 1,2 triệu đồng lên 3 triệu/giường tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Mức giường cao nhất tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội áp dụng theo thông tư mới là 3,8 triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, GS-TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, trung bình một năm, Bệnh viện mổ dịch vụ khoảng 35.000 ca (gồm cả mổ đẻ và mổ phụ khoa), nay áp dụng theo giá dịch vụ mới, nguồn thu giảm đi một nửa. Bệnh viện hiện có 250 giường dịch vụ, trong đó, mỗi khoa có 1/3 là giường VIP với giá 3,8 triệu đồng.
Về phía Bộ Y tế, theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, để có hành lang pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu, đồng thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về khám chữa bệnh theo yêu cầu của nhân dân, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BYT hướng dẫn hoạt động khám chữa bệnh theo yêu cầu trong điều kiện giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ.
"Tuy nhiên, Bộ Y tế nêu rõ, các cơ sở khám chữa bệnh chỉ được dành không quá 20% giường bệnh trên tổng số giường của bệnh viện để triển khai khám chữa bệnh theo yêu cầu để tránh lạm dụng việc chuyển bệnh nhân từ khu vực khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sang khu vực theo yêu cầu. Đồng thời, điều này cũng đảm bảo tính phục vụ của bệnh viện công lập, tránh lạm dụng thu của người bệnh", Cục trưởng Lương Ngọc Khuê nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu các bệnh viện có lạm dụng khám chữa bệnh theo yêu cầu hay không, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, tại thông tư này, Bộ trưởng Bộ Y tế giao các đơn vị chức năng của Bộ Y tế giám sát việc thực hiện Thông tư theo đúng quy định, tránh việc lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh.