Tài chính - Chứng khoán
Nhiều cổ phiếu đối diện “án” rời sàn, cắt margin
Thanh Thủy - 06/02/2023 07:30
Theo số liệu mới cập nhật, cứ 100 doanh nghiệp trên sàn, có khoảng 15 doanh nghiệp thua lỗ. Năm 2022 tiếp tục là một năm khó khăn với nhiều ngành kinh doanh, không ít ngành đảo chiều sau năm 2021 khá “thịnh”.
Sau năm lãi lớn, chứng khoán năm 2022 đã quay đầu giảm trước những thay đổi của thị trường. Ảnh: Đức Thanh

“Án” hủy niêm yết cận kề

Tiếp tục có thêm năm thứ ba kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu SII của Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn vừa nhận thông báo từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu. Trong trường hợp báo cáo tài chính kiểm toán tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ như báo cáo tài chính tự lập đã công bố, SII sẽ rời sàn HoSE.

Hoạt động cung cấp nước sạch và tư vấn thi công, cung cấp, lắp đặt các thiết bị xử lý môi trường là hai mảng kinh doanh mang về nguồn thu chính cho Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn. Đây là lĩnh vực thiết yếu và được hưởng lợi từ đợt tăng giá nước sinh hoạt hồi đầu năm 2022, nhưng doanh thu thuần cả năm của Công ty chỉ tăng gần 11% so với năm trước và chưa đủ bù đắp giá vốn kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty cho biết, các chi phí lãi vay và khấu hao tài sản cố định trong những năm đầu dự án vẫn còn cao, dù đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp chưa thực hiện được, không góp thêm được các khoản thu nhập tài chính cho Công ty. Công ty lỗ ròng hợp nhất hơn 86 tỷ đồng trong năm 2022. Đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất giảm còn gần 59 tỷ đồng, nhưng riêng công ty mẹ đã lỗ lũy kế gần 29 tỷ đồng.

Kinh doanh trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch, Công ty cổ phần Du lịch Dịch vụ Hội An (HoiAntourist - mã cổ phiếu HOT) cũng liên tục thua lỗ 3 năm gần đây. Công ty thu về 40,7 tỷ đồng doanh thu trong năm 2021, gấp rưỡi năm 2020, nhưng vẫn bằng chưa tới 1/3 giai đoạn trước dịch. Lỗ ròng năm 2022 của Công ty là hơn 19 tỷ đồng, cải thiện hơn so với khoản lỗ 21 tỷ đồng năm 2021 và 25 tỷ đồng của năm đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Khá hạn chế, thậm chí có thời điểm không sử dụng vốn từ kênh tín dụng, HoiAntourist không phải chịu “gánh nặng” lãi vay. Tuy nhiên, phần lợi nhuận để lại chỉ hơn chục tỷ đồng hồi cuối năm 2019 khiến Công ty nhanh chóng chuyển sang trạng thái lỗ lũy kế ngay trong năm đầu tiên gặp khó khăn. Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế đã tăng lên 64,45 tỷ đồng, “ăn mòn” hơn 80% mức vốn điều lệ khiêm tốn của HoiAntourist (80 tỷ đồng).

Cùng với cổ phiếu HOT của HoiAntourist, HVN - cổ phiếu của VietnamAirlines cũng được nhắc tới khi VietnamAirlines bước sang năm thứ ba kinh doanh thua lỗ.

Tiếp tục là một năm khó khăn

Đến thời điểm hiện tại, ngoài các doanh nghiệp trên, một số doanh nghiệp trên hai sàn niêm yết đã duy trì lợi nhuận âm trong 3 năm liên tiếp, gồm Công ty cổ phần Năng Lượng và Bất động sản MCG (mã MCG), Công ty cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu Inox Kim Vĩ (KVC), Công ty cổ phần Hoàng Hà (HHG) và Công ty cổ phần Cơ khí lắp máy Lilama (L35), dẫn đến khả năng cổ phiếu hủy niêm yết. Trong trường hợp duy trì thua lỗ ở năm thứ ba, các cổ phiếu trên sẽ chuyển sang giao dịch sàn UPCoM.

Tính riêng năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp trên sàn kinh doanh thua lỗ khá cao, hơn 15% - nhỉnh hơn số liệu năm 2021. Với kết quả kinh doanh năm 2022, trong trường hợp báo cáo sau kiểm toán vẫn tiếp tục thua lỗ, không ít cổ phiếu sẽ rơi vào danh sách không đủ điều kiện cho vay ký quỹ.

Kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2022 trải qua nhiều biến động khó lường. Ngành chứng khoán sau năm lãi lớn cũng quay đầu giảm trước các thay đổi của thị trường. Dù không thua lỗ diện rộng và mức lỗ thấp hơn ngành thép, một số công ty chứng khoán vẫn lỗ lớn.

Đơn cử, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương (APS) lỗ ròng 448 tỷ đồng cả năm 2022. Ngoài việc không còn ghi nhận khoản lãi lớn từ bán tài sản tài chính, APS còn phải hạch toán chi phí do chênh lệch giảm đánh giá lại tài sản tài chính gần 870 tỷ đồng cả năm. Trong khi đó, doanh thu từ môi giới và từ các khoản cho vay margin đều giảm so với năm liền trước.

Giá thép đảo chiều kéo theo các doanh nghiệp thép lỗ đậm nửa cuối năm 2022. Tính chung cả năm, một số doanh nghiệp vẫn báo lãi, dù giảm đáng kể so với năm kinh doanh “thăng hoa” liền trước. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp thép lỗ lớn cả năm, lấy đi toàn bộ thành quả trước đây.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Thép Pomina lỗ ròng 1.168 tỷ đồng cả năm 2022. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối từ mức lãi 634 tỷ đồng cuối năm 2021 chuyển sang lỗ lũy kế gần 280 tỷ đồng. Kinh doanh không đủ bù chi phí giá vốn cùng chi phí tài chính ở mức gần 600 tỷ đồng do tận dụng đáng kể nợ vay khiến lợi nhuận của Pomina chịu tác động kép.

Tổng công ty Thép Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại SMC lần lượt báo lỗ 822 tỷ đồng và 645 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thép Nam Kim, Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc cũng kinh doanh thua lỗ sau năm kinh doanh tăng trưởng tốt liền trước. Cổ phiếu SMC, NKG… đều đang được phép ký quỹ, nhưng có thể sớm bị cắt margin nếu tiếp tục báo lỗ trong báo cáo kiểm toán dự kiến công bố trước ngày 31/3.
Tin liên quan
Tin khác