Nhiều cụm công nghiệp ở Quảng Ngãi không có hệ thống xử lý nước thải. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) |
Hoạt động trong tình trạng thiếu hệ thống xử lý nước thải
Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) có diện tích hơn 27 ha, đi vào hoạt động từ năm 2005, nhưng đến nay vẫn “trống” hệ thống xử lý nước thải.
Cụm công nghiệp làng nghề này hiện có 16 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giấy, nhựa, chế biến nước mắm, sản xuất bao bì, tái chế hạt nhựa và chế biến nông, lâm sản.
Nước thải từ Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài. Trước thực trạng đó, những năm qua, người dân ở khu vực này đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi chính quyền các cấp, phản ánh trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện.
- Ông Nguyễn Đức Trung, quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi
Ông Trần Văn Quang (xã Tịnh Ấn Tây) cho hay, nước thải ở cụm công nghiệp này đổ ra kênh có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối, nhất là mùa nắng nóng. Một số người đã chuyển đi nơi khác sống. Nhiều người khác cũng muốn chuyển đến nơi khác, nhưng chưa thể đi vì nhà ở đây chưa bán được.
“Người dân nơi đây ai cũng lo bị nhiễm bệnh bởi hàng ngày phải hít mùi khí thải từ công ty sản xuất bao bì xộc thẳng vào mũi. Nguồn nước thải của các công ty thải ra môi trường thì đen kịt, nhìn rất đáng sợ”, ông Quang chia sẻ.
UBND TP. Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã phân bổ 10 tỷ đồng để đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, nhưng TP. Quảng Ngãi từ chối nhận, vì số tiền này quá nhỏ so với tổng kinh phí cần thiết, ước tính tới 50 - 100 tỷ đồng. Hơn nữa, Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây đã được đưa vào Quy hoạch chung xây dựng TP. Quảng Ngãi đến năm 2040.
Trong Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, khu vực này sẽ trở thành trung tâm logistics, nhưng trong thời gian chờ đợi, người dân phải tiếp tục sống chung với ô nhiễm, đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Đặc biệt, mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một doanh nghiệp trong cụm công nghiệp này xả thải chưa qua xử lý, với mức xyanua vượt quá quy định tới 21 lần.
Theo thông tin từ Sở Công thương, việc đầu tư hạ tầng ban đầu ở Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây chưa đồng bộ, chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Do đó, hạ tầng bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp và các doanh nghiệp đang hoạt động ở đây không đảm bảo theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Hệ thống thu gom thoát nước thải, nước mưa tại Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây chưa được đầu tư hoàn chỉnh, dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng xả nước thải vào hệ thống thoát nước mưa không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường, tạo dư luận không tốt trong thời gian qua.
Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh có 15 cụm công nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với 89 doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh. Trong 15 cụm công nghiệp, hiện chỉ có Cụm công nghiệp Sơn Hạ (huyện Sơn Hà) đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải công suất 300 m3/ngày đêm (giai đoạn I). Còn Cụm công nghiệp Bình Nguyên đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ngày 25/4/2024, quy mô 100 m3/ngày đêm, với tổng vốn đầu tư 14,7 tỷ đồng.
Tất cả các cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều do Ban Quản lý đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư và nguồn vốn đầu tư hạ tầng đều từ ngân sách nhà nước.
Sở Công thương cho rằng, do nguồn vốn hạn chế, các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện chưa được đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các cụm công nghiệp đầu tư theo hình thức cuốn chiếu, vừa thu hút đầu tư sản xuất - kinh doanh, vừa từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, nên công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, Sở Công thương kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có cụm công nghiệp tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường và việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi, hoạt động gây ô nhiễm môi trường; có kế hoạch, lộ trình di dời phù hợp, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, kế hoạch để tập trung đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp theo quy định.
Cương quyết xử lý, kể cả đóng cửa
Điều đáng nói, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), các cụm công nghiệp phải hoàn thành hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành.
Tuy nhiên, đến nay, đã hết thời hạn theo quy định, nhưng hàng chục cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đức Trung thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề vẫn đang diễn ra, chưa khắc phục triệt để.
Ông Trung cho biết, Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây là một trong những cụm công nghiệp đầu tiên của tỉnh, do xây dựng đã lâu, nên hạ tầng và các quy định về môi trường không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Mặc dù cụm công nghiệp này đã được định hướng chuyển sang quy hoạch khác, nhưng việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đang gây nhiều bất cập.
Dù các doanh nghiệp tại đây có đầy đủ hồ sơ và hệ thống xử lý nước thải theo quy định, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải để giảm chi phí vận hành. Đây là vấn đề liên quan ý thức của doanh nghiệp.
“Thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND TP. Quảng Ngãi đã kiểm tra và xử phạt để răn đe. Tuy nhiên, cần có biện pháp mạnh hơn. Nếu doanh nghiệp tái phạm, cần tiến hành kiểm tra và báo cáo để áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, thậm chí đóng cửa, nếu cần thiết”, ông Trung nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, ông Trần Phước Hiền cho hay, thời gian qua, tỉnh xác định, trong quá trình thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp phải khắc phục tình trạng xả thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp giống như khu công nghiệp VSIP, tức nhà đầu tư thứ cấp sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, nhất là xử lý nước thải. Các cụm công nghiệp do các huyện, thành phố, thị xã làm chủ đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện thực hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.
“Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp chấp hành theo đúng quy định. Nếu doanh nghiệp trốn tránh, không chấp hành thì cương quyết xử lý, kể cả đóng cửa”, ông Hiền chỉ đạo.