Doanh nghiệp
Nhiều doanh nghiệp tất bật thoái vốn, thanh lý tài sản
Ngọc Nhi - 30/12/2017 20:37
Gần đây, nhiều doanh nghiệp có quyết định thanh lý, chuyển nhượng tài sản, vốn góp. Việc này có thể tạo lợi nhuận bất thường trong quý IV.
NTL, CLL, QBS SII... là những doanh nghiệp có quyết định thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết

Ngày 25/12, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) có nghị quyết về việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Lideco 2, giá trị vốn góp hơn 5,9 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu 51% vốn điều lệ, bên nhận chuyện nhượng chính là Công ty Lideco 2.

Theo đó, Lideco 2 sẽ chuyển 3 tỷ đồng cho NTL ngay khi nghị quyết được ban hành, đồng thời NTL rút 1 thành viên đại diện cho 25% vốn góp tại Lideco 2 từ ngày 25/12. Số tiền còn lại dự kiến thanh toán trong vòng 1 năm.

Cũng trong ngày 25/12, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cảng Cát Lái (CLL) có nghị quyết về việc chuyển nhượng một số tài sản cho Công ty cổ phần Tiếp vận quốc tế Cảng Cát Lái, với tổng giá trị thanh lý hơn 52,6 tỷ đồng. Các tài sản này có tổng giá trị hơn 86 tỷ đồng, chi phí khấu hao hơn 33 tỷ đồng. Được biết, CLL hiện là công ty liên kết nắm giữ 35% vốn của Tiếp vận quốc tế Cảng Cát Lái.

Cùng với việc thanh lý tài sản, CLL thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của Công ty cổ phần Tiếp vận quốc tế Cảng Cát Lái từ 20 tỷ đồng lên 35 tỷ đồng, theo đó CLL sẽ tăng tỷ lệ nắm giữ từ 35% lên hơn 54% và cử 2 đại diện tham gia vào công ty con, đại diện cho phần vốn góp tương đương 19 tỷ đồng.

Ngày 23/12, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (QBS) có nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Quảng Bình - Cao Bằng, tổng khối lượng gần 1,4 triệu cổ phần, tương đương 98% vốn điều lệ, với lý do tái cơ cấu danh mục đầu tư tài chính, thời gian thực hiện trong tháng 12.

Ngày 18/12, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn (SII) công bố chủ trương thoái vốn tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ. SII cũng thông qua chủ trương mua lại 30 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Củ Chi.

Tuy nhiên, kế hoạch mua cổ phần này dự kiến thực hiện trong năm 2018, nguồn vốn sẽ lấy từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu hơn 47 triệu cổ phiếu với giá 16.400 đồng/cổ phiếu, dự kiến trình cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 10/1 tới. Ngoài ra, một phần nguồn vốn mua cổ phiếu sẽ đến từ nguồn vay của công ty mẹ là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII).

Trước đó, trong tháng 10, Hội đồng quản trị SII đã ra quyết định thoái toàn bộ 3,8 triệu cổ phần tại Công ty cổ phần Nước Sài Gòn - Cần Thơ. Đến ngày 7/12, SII đã chuyển nhượng được hơn 1,01 triệu cổ phần.

Theo một số chuyên gia phân tích, việc doanh nghiệp thanh lý tài sản cuối năm có thể tạo ra thu nhập bất thường trong quý IV/2017. Qua đó, lợi nhuận trên mỗi cổ phần của doanh nghiệp sẽ được cải thiện, chỉ số P/E cũng sẽ điều chỉnh về mức hấp dẫn, qua đó tạo tâm lý tích cực đối với giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc, bởi khả năng lợi nhuận quý sau đó của doanh nghiệp sẽ bị hụt một khoản, lúc đó các chỉ số sẽ bị điều chỉnh. Nhà đầu tư cổ phiếu cần “vào, ra” đúng thời điểm, tránh bị “kẹp hàng”.

Mặt khác, cần xem xét tài sản mà doanh nghiệp thanh lý liệu có tạo ra dòng tiền lớn hay không. Trong trường hợp này, doanh nghiệp bán đi tài sản có thể đang bán đi “nồi cơm” của mình. Với tài sản không tạo ra dòng tiền, những khoản đầu tư không thực sự hiệu quả thì việc thanh lý không tác động nhiều, thậm chí là tốt cho dòng tiền của doanh nghiệp.

Trường hợp của Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) cho thấy, với áp lực tài chính khá lớn, HVG đã buộc phải thoái hết vốn tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), một trong những "nồi cơm" của Công ty. Động thái này lập tức phản ánh vào giá cổ phiếu HVG khi tăng hơn 50%, lên mức 7.700 đồng/cổ phiếu trong vòng gần 2 tháng. Việc thoái vốn mang về lượng tiền lớn, nhưng HVG sẽ làm gì với lượng tiền đó để giúp Công ty vượt qua khó khăn, hoạt động trở lại quỹ đạo là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đang đặt ra lúc này.

Hoạt động thanh lý tài sản của doanh nghiệp trong ngắn hạn có thể tác động tích cực đến giá cổ phiếu, nhưng về dài hạn, cần xem xét tính hiệu quả và bền vững cho bức tranh tài chính của doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác