Với kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2021, Dệt may Huế chi trả cổ tức 60% cho các cổ đông, trong đó 15% tiền mặt, 45% bằng cổ phiếu. |
Năm 2021, dù có thời điểm hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, nhưng nhờ phục hồi sản xuất nhanh sau giai đoạn thích ứng linh hoạt, ngành dệt may đã về đích với kim ngạch xuất khẩu trên 39 tỷ USD, tăng trưởng trên 10%, nhờ đó, nhiều doanh nghiệp dệt may đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh và quyết định chi trả cổ tức ở mức cao bất ngờ, 30-60% cho các cổ đông.
Tổng doanh thu năm 2021 đạt 497,7 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 50,3 tỷ đồng bằng 236% so với kế hoạch ĐHĐCĐ năm 2021, Công ty CP Vinatex Phú Hưng đã quyết định chia cổ tức 50%, trong đó 30% bằng cổ phiếu, 20% bằng tiền mặt.
Tại ĐHĐCĐ năm 2022 vừa diễn ra, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, năm qua, với việc đưa vào vận hành Nhà máy Sợi số 2 vào hoạt động, đã nâng gấp đôi năng lực sản xuất, đạt hơn 4,4 vạn cọc sợi, doanh thu lẫn lợi nhuận đều tăng trưởng vượt kế hoạch, đồng thời đưa Vinatex Phú Hưng từ một công ty có quy mô nhỏ trở thành công ty có quy mô trung bình trong ngành sợi cả nước.
Công ty CP Dệt may Huế cũng cán đích năm 2021 với kết quả kinh doanh khả quan. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 1.884 tỷ đồng, bằng 132,3% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế 141 tỷ đồng bằng 568% so với kế hoạch ĐHĐCĐ 2021 đã giao; Thu nhập bình quân của người lao động đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng. Dệt may Huế thống nhát chia cổ tức 60% (15% bằng tiền mặt và 45% bằng cổ phiếu).
Theo ông Nguyễn Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Dệt may Huế cho hay, ngoài thuận lợi chung về thị trường do giá sợi tăng cao, doanh nghiệp cũng đã tích cực đầu tư chiều sâu để thay thế các thiết bị cũ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Với mô hình chuỗi khép kín từ sợi – dệt kim – may, Công ty là một trong những đơn vị có chuỗi cung ứng hoàn chỉnh tại khu vực miền Trung có thể đáp ứng các yêu cầu, quy tắc xuất xứ của khách hàng nước ngoài, cũng như thực hiện và triển khai các đơn hàng FOB cho ngành may.
Đại hội cổ đông năm 2022, Công ty đã thông qua một số nội dung quan trọng, trong đó biểu quyết thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành là 45% bằng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Sau khi phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 105 tỷ đồng lên 152,25 tỷ đồng.
"Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.860 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng; cổ tức 30%", ông Phong cho biết..
2021 có thể nói là năm thắng lớn của ngành sợi, khi hầu hết các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ đơn hàng gia tăng và giá sợi xuất khẩu cao. Công ty CP Sợi Phú Bài cũng thông tin về kết quả kinh doanh đầy bất ngờ tại ĐHCĐ 2022, với tổng doanh thu đạt 1.151,68 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 106,78 tỷ đồng bằng 1.017% so với kế hoạch; thu nhập bình quân người lao động đạt 10,2 triệu đồng/người/tháng; chia cổ tức 30% (20% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu).
Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sợi Phú Bài, ông Cao Hữu Hiếu cho biết, Sợi Phú Bài nằm trong top những đơn vị có mức độ tăng trưởng, ổn định trong sản xuất kinh doanh dẫn đầu Tập đoàn. Trong nhiệm kỳ 2022 – 2027, mục tiêu doanh thu của doanh nghiệp hướng tới mốc 2.500 tỷ đồng và nâng lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2030.
Theo kế hoạch, Sợi Phú Bài sẽ nâng quy mô vốn điều lệ đạt 500 tỷ đồng vào năm 2030, tiếp tục đầu tư và ứng dụng các thiết bị hiện đại, nâng cao và chuyên biệt hóa các sản phẩm chủ lực, đưa Sợi Phú Bài trở thành đơn vị sản xuất xanh, công nghệ hàng đầu thế giới với quy mô 15 vạn cọc vào năm 2027 và 20 vạn cọc vào năm 2030.
Đối với Vinatex Phú Hưng, doanh nghiệp này nhận định, tình hình ngành sợi sẽ có nhiều khó khăn, thử thách khi giá nguyên phụ liệu đầu vào ngày một leo thang trong khi giá bán sợi thành phẩm đang có dấu hiệu chững lại. Theo đó, đặt ra mục tiêu lợi nhuận ước đạt 60 tỷ, cùng với 30% cổ tức trong đó 10% là tiền mặt và 20% là cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
"Mục tiêu trong thời gian tới, Vinatex Phú Hưng sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, nâng quy mô đến năm 2027 từ 8-10 vạn cọc sợi (bao gồm 2 nhà máy hiện hữu) bằng cách mở rộng sản xuất thêm Nhà máy Sợi 3 cũng như thành lập công ty cổ phần do Vinatex Phú Hưng nắm quyền chi phối", bà Nguyễn Thị Tố Trang, Giám đốc Vinatex Phú Hưng thông tin.