Rào cản về ngôn ngữ, hạn chế về kiến thức bán hàng khiến cho việc tiếp cận khách hàng, xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn. |
Bà Nguyễn Huyền, Giám đốc công ty sản xuất nguyên liệu gia cho biết vào năm 2008 đã tiến hành mở tài khoản bán hàng trên Alibaba nhằm tìm kiếm đối tác mua hàng nước ngoài. Nhưng phải đến ba năm sau, công ty mới bán được đơn hàng đầu tiên. "Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ, không rành cách thức tiếp thị, đẩy hàng, bán hàng trên trang thương mại điện tử này", bà Huyền chia sẻ.
Những khó khăn mà Công ty bà Huyền gặp phải cũng là vấn đề chung của nhiều doanh nghiệp nêu ra tại sự kiện "Kết nối thị trường và giải pháp ứng dụng thương mại điện tử cho doanh nghiệp Phú Yên" vừa tổ chức tại Phú Yên.
Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch HĐQT HTX Thanh Tâm chuyên cung cấp sản phẩm mang nhãn hiệu Hồng đẳng sâm (Tu Mơ Rông, Kon Tum) chia sẻ những khó khăn trong phân phối sản phẩm.
“Sản phẩm Hồng đẳng sâm của chúng tôi đảm bảo chất lượng nhưng bị ảnh hưởng rất lớn bởi sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Chúng tôi tham gia hội nghị này với mong muốn tìm nhà cung cấp chuyên nghiệp để giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng cả nước”, ông Thu nói. Ông Thu cũng cho biết tham vọng của HTX Thanh Tâm là giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước với chất lượng tốt nhất và thương mại điện tử là kênh được đựa chọn.
“Kết nối thương mại điện tử là xu hướng tất yếu. Nếu biết kết hợp lợi thế thương mại truyền thống với thương mại điện tử, tiếp cận kênh bán hàng trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử có uy tín thì cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm của mình với thế giới là rất lớn”, bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Yên nhận định. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi, bà Bích cho biết các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đồng quan điểm với bà Bích, ông Phạm Đạt, Tổng giám đốc Fado, đối tác Alibaba tại Việt Nam cho biết theo thống kê từ Alibaba và Fado thực hiện, dù có rất nhiều doanh nghiệp mở tài khoản trên Alibaba nhưng chỉ khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt thực sự đầu tư cho công tác này, còn các doanh nghiệp khác chỉ dừng ở bước mở tài khoản mà không có triển khai tiếp. Con số này còn quá khiêm tốn so với tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân đến từ nhiều rào cản mà các doanh nghiệp gặp phải khi tham gia vào sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Nhiều nhà bán hàng nội địa chỉ mới dừng ở bước đăng tải sản phẩm lên Alibaba và bán hàng thụ động, do đó khả năng thu hút người mua chưa cao. Rào cản về ngôn ngữ, hạn chế về kiến thức bán hàng trong môi trường xuyên biên giới cũng khiến cho việc tiếp cận khách hàng, xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn.
Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử, ông Võ Văn Khanh, thương mại điện nghe thì xa vời nhưng thực tế rất đơn giản. Chỉ cần chiếc điện thoại có kết nối Internet, doanh nghiệp có thể kết nối với tất cả các khách hàng trên toàn thế giới. Hiện một số hãng thương mại điện tử lớn trên thế giới đã bắt đầu tham gia vào thị trường Việt Nam như Amazon, Alibaba. Sự kiện này là cơ hội cho doanh nghiệp tỉnh Phú Yên có thể giới thiệu sản phẩm, nhiều ngành hàng khác nhau. Đồng thời, tăng nhận diện thương hiệu, kết nối với khách hàng trên toàn cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Khanh dẫn chứng, để đạt được doanh thu 1 triệu USD, với phương pháp kinh doanh truyền thống, doanh nghiệp sẽ tốn rất nhiều chi phí, nhưng với thương mại điện tử, chi phí ấy rất nhiều.