Ngân hàng - Bảo hiểm
Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng dư nợ cao
Vân Linh - 25/03/2021 19:53
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2021 từ 10-12%, kịch bản thấp nhất là 7-8%. Nhưng không ít ngân hàng vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên dưới 30%. 

Tăng trên dưới 30%

Cụ thể, tại đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 của VIB ngày 24/3, cổ đông đã thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay đạt 7.510 tỷ đồng, tăng 29% năm trước, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đều khoảng 31%.

Trong khi đó, hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho VIB hơn 8%, thấp hơn nhiều ngân hàng khác nhưng nhà băng này lại đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng tới 31% trong năm nay.

Lý giải điều này cho cổ đông, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho rằng, định hướng của NHNN cho phép NHTM tăng tín dụng khoảng 12% trong năm nay nhưng cũng khá linh động, phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế.

Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể về mức 10% hay lên 14% tùy theo từng giai đoạn. NHNN có sự thận trọng nhất định, nên giao chỉ tiêu 7-12% ở lần đầu tiên.

"Với VIB, các năm trước NHNN cũng giao chỉ tiêu lần đầu thấp, nhưng sau đó phụ thuộc vào mức độ lành mạnh, chất lượng tín dụng, tính tuân thủ, quản trị minh bạch của VIB mà có sự thay đổi. Các năm qua, VIB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23 - 30% và đều đạt được", ông Vỹ lý giải thêm.

ĐHCĐ thường niên 2021 diễn ra ngày 24/3, năm 2021, MSB đặt mục tiêu tăng 8% tổng tài sản lên 190 nghìn tỷ đồng.

Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên hơn 106.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% đạt hơn 114.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 3.280 tỷ đồng, tăng 30%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.

Với kế hoạch tăng trưởng này, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB là khả thi vì lợi nhuận quý I/2021 của MSB rất tốt.

Dự kiến đến cuối quý I/2021, tiền gửi của MSB đạt 92.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm.

Dư nợ cho vay của MSB đến hết quý 1/2021 tăng trên 9%. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của MSB đạt khoảng 1.200 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 290 tỷ đồng).

ROE và ROA đạt lần lượt 1,5% và 10,3%. Tỷ lệ an toàn vốn CAR ở mức 9,9% và nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Vừa qua, ngân hàng đã hoàn tất ký thoả thuận hợp tác độc quyền với bảo hiểm Prudential và dự kiến bắt đầu triển khai từ 1/4/2021.

Cũng theo ông Linh, tỷ lệ cho vay bất động sản cuối năm 2020 đã giảm mạnh xuống còn 11%. Cuối tháng 3/2021, tỷ trọng cho vay bất động sản của MSB gần như không thay đổi so với cuối năm 2020.

Năm 2021, MSB sẽ tập trung tín dụng cho năng lượng sạch, các ngành nghề kinh doanh sản xuất ít chịu tác động của dịch Covid-19.

ĐHCĐ BIDV cũng thống nhất với một số chỉ tiêu kinh doanh của năm 2021, cụ thể: Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, dự kiến tăng trưởng 12%-15%.

Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2021 của BIDV đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, dự kiến tăng trưởng 10%-12%; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không vượt 1,6%.

Bên cạnh đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2020 phù hợp với diễn biến của thị trường, hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, phục hồi, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Phạm Quang Dũng – Tổng giám đốc Vietcombank cũng cho biết, Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 12% so với năm trước, đạt mức 25.200 tỷ đồng.

Với tổng tài sản, ngân hàng này đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng là 6% so với năm 2020. Còn với nguồn vốn, chỉ tiêu tăng trưởng huy động vốn từ các tổ chức và cá nhân là 8%, còn tăng trưởng tín dụng là 12%. 

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đặt mục tiêu tiếp tục kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1% và biên lợi nhuận (NIM) ở mức 3,1%.

Nên bỏ room tín dụng

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng, NHNN, đến 17/3, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn quý I/2020 quanh 0,68%. NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 là 12%.

Trước đó, ông Tuấn cũng cho hay, NHNN đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12-13%, có thể đạt 14%.

Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tăng trưởng khoảng 7 - 8%.

Trong 3 kịch bản, cơ quan quản lý kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.

Theo Vụ trưởng Tín dụng (NHNN), các ngân hàng đã được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm đợt một. NHNN căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng (TCTD), để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu linh hoạt.

Các ngân hàng quốc doanh gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp “room” năm nay 6,5-7,5%, riêng Vietcombank được giao 10,5%. Một số ngân hàng TMCP như: VIB, ACB, Sacombank là 8,5-9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5-12%. 

Thực tế, trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, cơ quan này sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm.

Vì sau khi nhiều TCTD đã sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai.

Chẳng hạn như: Vietcombank năm 2020 được cấp tín dụng 10%, tuy nhiên đến cuối năm NHNN nâng "room" lên 14%. Một số ngân hàng ngân hàng khác cũng được nâng chỉ tiêu như MB, Techcombank, TPBank...

Hạn mức tín dụng đã được NHNN áp dụng năm 1994, nhằm kiểm soát tăng trưởng tín dụng quá đà và chính sách này đã bị bãi bỏ năm 1998.

Tuy nhiên, đến năm 2011, biện pháp hành chính này lại được tái sử dụng do có những lúc tỷ lệ tín dụng trên GDP lên tới 158%, dẫn tới không thể kiểm soát lạm phát.

Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, NHNN nên bãi bỏ biện pháp hành chính này, thay vào đó là biện pháp thị trường khác phù hợp hơn.

Tin liên quan
Tin khác