Tổng cục Thống kê (TCTK) vừa họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I năm 2019 cho thấy, mặc dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhưng vẫn có nhiều nhân tố tạo đà cho GDP tăng trưởng cao trong 3 quý cuối năm.
GDP tăng trưởng ấn tượng trong 10 năm gần đây
“GDP quý I/2019 đạt mức tăng trưởng khá (tăng 6,79%); kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua (CPI tháng 3 giảm 0,21% so với tháng 2, CPI bình quân quý I tăng 2,93% so với cùng kỳ); môi trường đầu tư kinh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm có xu hướng giảm dần; năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng, tạo đà cho nền kinh tế phát triển trong những quý tiếp theo”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK khái quát tình hình kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm 2019 trong cuộc họp báo vừa được cơ quan này tổ chức.
Mức tăng trưởng GDP quý I năm nay tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (tăng 7,45%), nhưng theo ông Lâm, mức tăng trưởng 6,79% của quý I năm nay vẫn là mức tăng trưởng cao nhất so kể từ năm 2009 trở lại đây (không tính năm 2018).
Theo số liệu của TCTK, trong mức tăng trưởng chung của cả nền kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,68%, đóng góp 4,9% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%, đóng góp 51,2%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%, đóng góp 43,9%.
“Động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong quý I năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng 12,35%, tuy thấp hơn mức tăng trưởng 14,3% của quý I/2018, nhưng đây là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2012-2017”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp, TCTK phân tích.
Phân tích nguyên nhân của ngành công nghiệp và xây dựng trong quý I năm nay tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 8,63% so với 9,70%), ông Thúy cho biết, nguyên nhân chính là ngành công nghiệp khai khoáng giảm 2,2% trong khi đó cùng kỳ năm 2018 tăng 0,4%.
“Tốc độ tăng trưởng của ngành khai khoáng giảm là xu hướng đã được dự báo từ trước do nguồn tài nguyên không tái tạo ngày càng cạn kiệt và chủ trương của Đảng và Nhà nước là tăng trưởng kinh tế ngày càng phải giảm vào khai thác tài nguyên, khoáng sản. Hơn nữa, việc khai thác tài nguyên ngày càng khó khăn hơn, chi phí khai thác ngày càng lớn hơn nên tốc độ tăng trưởng của ngành khai khoáng giảm, như dầu thô khai thác giảm 10,3%; khí đốt tự nhiên giảm 2,4%... là điều đã được dự báo từ trước”, ông Thúy nói thêm.
Động lực chính trong tăng trưởng kinh tế là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Quý I năm nay ngành này chỉ tăng trưởng 12,35% thay vì mức tăng trưởng 14,3% của cùng kỳ năm 2018, theo ông Thúy, nguyên nhân chính là sản phẩm chủ lực của ngành chế biến, chế tạo năm nay tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Cụ thể, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học chỉ tăng 2,9% trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng hơn 29%.
“Năm 2018, lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có mức tăng trưởng cao là do có yếu tố đột biến, cụ thể là Samsung tung ra sản phẩm mới (điện thoại Samsung Galaxi Note 8) đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng còn năm nay không có đột biến nào nên tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo đi vào ổn định. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực chế biến chế tạo vẫn duy trì ở 2 con số là một kỳ tích”, ông Thúy nhấn mạnh.
Nông nghiệp gặp khó do dịch tả lợn châu Phi và Elnino
Trong khi đó, theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, TCTK, tốc độ tăng trưởng GDP quý I năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018 còn do lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Chỉ riêng dịch tả lợn châu Phi hiện đã xuất hiện ở 529 xã phường tại 69 huyện và 23 tỉnh đã phải tiêu hủy 82.200 con lợn. “Ngành chăn nuôi lợn chiếm 53% giá trị của cả ngành chăn nuôi. Khi dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, người dân giảm đàn, treo chuồng, ngừng chăn nuôi đã tác động làm giảm 0,02 điểm phần trăm GDP”, ông Hiếu cho biết thêm.
“Dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng và kéo dài một thời gian nữa. Ở các tỉnh phía Bắc, ít nhất khi thời tiết sang hè khi đó nhiệt độ môi trường nắng nóng mới có thể giảm được diện lây lan. Ngoài ra, năm nay thời tiết sẽ khắc nghiệt hơn mấy năm gần đây do hiện tượng Elnino sẽ tác động xấu tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản nên ngành nông nghiệp nói chung năm nay gặp khó khăn”, ông Hiếu phát biểu.
Bình luận về việc trong quý I năm nay số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2018; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng khoảng 24%, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, điều này không đáng lo ngại và cũng không phải là tín hiệu xấu, thậm chí ngược lại. “Cơ chế, chính sách hiện tại rất thông thoáng, đơn giản, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh. Người ta tham gia vào thị trường dễ dàng thì người ta rút ra khỏi thị trường cũng phải dễ dàng vì vậy vậy số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao. Hơn nữa, trong số doanh nghiệp giải thể thì có đến gần 55% bị thu hồi giấy phép kinh doanh để làm chuẩn hóa dữ liệu vì thực tế những doanh nghiệp này đã đóng cửa, ngừng hoạt động từ những năm trước”, ông Lâm nói.
Ông Lâm nhắc lại không nên lo lắng về việc doanh nghiệp tạm ngừng đóng cửa, vì trong số doanh nghiệp tạm ngừng đóng cửa sẽ có nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm nay có tới 15.050 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng hơn 78% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên con số hơn 43.500 đơn vị - là con số lớn nhất từ trước đến nay.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh 3 tháng đầu năm có nhiều yếu tố không thuận, nhưng ông Lâm cho rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm vẫn tiếp tục giam màu sáng.
“Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế lớn có Chỉ số nhà quản trị mua hàng - PMI - dưới 50 điểm (mức độ cảnh báo cho thấy hoạt động sản xuất bước vào ngưng trệ) thì PMI của Việt Nam vẫn xoay quanh mức 53 điểm. Đây là chỉ số báo hiệu hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Nam vẫn khá sáng sủa”, ông Lâm bình luận.