Thời sự
Nhiều nơi coi lãng phí, sa hoa là... mốt
Hàn Tín - 18/06/2013 11:45
Tình trạng lãng phí ngày càng nhiều, ngày càng trậm trọng, thậm chí nhiều nơi còn coi lãng phí là mốt và đua nhau lãng phí như tổ chức khởi công, động thổ, khánh thành, hội nghị, hội thảo, cưới xin, ma chay…
TIN LIÊN QUAN

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Hội trường vào sáng nay, 18/6, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Đức Châu, Tô Văn Tám, Huỳnh Thế Kỷ… đề nghị phải xây dựng Luật Phòng chống lãng phí vì lãng phí đã trở thành quốc nạn, nguy hiểm bằng, thậm chí hơn tham nhũng.

Lãng phí nguy hiểm không kém tham nhũng, thậm chí còn nguy hại hơn tham nhũng, vì tham nhũng sau khi bị phát hiện, cơ quan bảo vệ pháp luật có thể thu hồi được một phần tiền, tài sản công bị chiếm đoạt.

Trong khi đó, lãng phí là mất hết, thậm chí, nhiều công trình, dự án đầu tư xây dựng lãng phí, ngân sách còn phải bỏ thêm tiền để duy tu, bảo dưỡng nên lượng hóa sự thiệt hại của lãng phí vô cùng khó khăn, phức tạp và cũng không bao giờ lượng hóa hết được giá trị tiền bạc, công sức mất đi do lãng phí.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, bà Ngô Thị Minh

Dẫn chứng về nguy hại của lãng phí, ĐBQH Ngô Thị Minh phát biểu: “Các cơ quan quản lý nhà nước trước đây cho phép mở quá nhiều trường đại học, ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng hoạt động không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ không những gây lãng phí số tiền của, nhân lực đã bỏ ra để xây dựng, vận hành những cơ sở này, bây giờ lại phải bỏ tiền của, công sức để giải thể, phá sản, đóng cửa hàng loạt ngân hàng, công ty chứng khoán, cơ sở giáo dục đại học”.

“Đành rằng, tiền của, công sức xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, ngân hàng, công ty chứng khoán là của người dân, nhưng suy cho cùng nó là của xã hội. Vì vậy, phải có chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân, đơn vị đã tư vấn thành lập những cơ sở gây lãng phí; tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước cấp phép cho những cơ sở gây lãng phí kể trên”, bà Minh phát biểu.

“Ở đâu cũng thấy lãng phí, chỗ nào cũng thấy lãng phí, lãng phí nguy hiểm và “tốn kém” hơn tham nhũng nên phải đổi xây dựng Luật Phòng chống lãng phí tương tự như Luật Phòng chống tham nhũng để đưa ra các chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân, đơn vị gây lãng phí thì may ra mới có thể hạn chế được phần nào tình trạng lãng phí hiện nay”, ĐBQH Huỳnh Thế Kỷ đề xuất.

Ông Kỷ cho rằng, ngoài lãng phí về vật chất dễ nhìn thấy, ai cũng lên án, nhưng sự lãng phí về vật chất mặc dù rất tác hại, nhưng không tác hại bằng lãng phí về mặt thời gian.

“Công nghệ thông tin phát triển rất mạnh, nhưng vẫn còn nhiều bộ ngành ở Trung ương, hàng năm tổ chức khá nhiều hội nghị, triệu tập lãnh đạo các địa phương mỗi nơi 4 - 5 đầu mối “rồng rắn” đến địa điểm nào đó chỉ để họp 1 ngày, thậm chí nửa buổi. Các quan chức đi họp hết thì biết bao nhiêu công việc ở địa phương bị dồn lại. Tại sao không thực hiện họp trực tuyến, vừa giảm được chi phí tiền bạc, công sức, vừa tiết kiệm biết bao nhiêu thời gian của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Kỷ đặt câu hỏi.

Nhìn vào cả bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ông Kỷ khẳng định, có cơ quan, đơn vị làm không hết việc, nhưng có nhiều cơ quan, đơn vị, cả năm chỉ phải làm vài ba đầu việc, có cũng được, không có cũng được. “Đây là sự lãng phí về thời gian và nhân lực vô cùng lớn. Cần phải sắp xếp lại bộ máy theo hướng gom một số cục, vụ, viện lại với nhau sẽ tiết kiệm được cả chi phí hành chính, chi phí quản lý, chi thường xuyên và nguồn nhân lực”, ông Kỷ đề xuất.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Thân Đức Nam

Xuất thân từ lãnh đạo doanh nghiệp, ĐBQH Thân Đức Nam hiểu rất rõ lãng phí về thời gian cũng chính là lãng phí về tiền bạc, thậm chí quy ra giá trị, lãng phí về thời gian còn “mất” nhiều hơn lãng phí về tiền bạc.

Ông Nam lấy ví dụ, trong xây dựng cơ bản, nếu làm việc liên tục 3 ca/ngày không chỉ khai thác tối đa thiết bị, máy móc, nhân công mà còn rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình, dự án vào khai thác sẽ đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp chỉ làm mỗi ngày một ca, ngày cuối tuần nghỉ ngơi nên gây lãng phí rất lớn.

“Chưa kể, do thi công kéo dài nên khi giá cả thị trường vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu tăng khiến công trình bị đội giá, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Hiện có hàng ngàn công trình sử dụng vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ phải điều chỉnh tổng mức đầu tư gấp 2 - 3 lần trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã minh chứng rất rõ điều này”, ông Nam phát biểu.

Bức xúc trước thực tế lãng phí xảy ra ở mọi nơi, mọi chỗ, ĐBQH Trương Thái Hiên mong muốn Quốc hội ban hành một văn bản pháp luật có sức nặng như “thượng phương bảo kiếm”.

Ông Hiên cho rằng, tình trạng lãng phí ngày càng nhiều, ngày càng trậm trọng, thậm chí nhiều nơi còn coi lãng phí là mốt và đua nhau lãng phí như tổ chức khởi công, động thổ, khánh thành, hội nghị, hội thảo, cưới xin, ma chay… Điều này cho thấy, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí chẳng khác gì thanh gươm cùn.

“Chỉ cần tiết kiệm 5% số lãng phí kể trên, hàng năm có thể xây 35.000 ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương cho người nghèo, người có công”, ông Hiên tính toán.

Theo ông Hiên, để mài sắc thanh gơm này như thanh “thượng phương bảo kiếm” thì cần phải xây dựng Luật Phòng chống lãng phí thay vì sửa Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Bên cạnh đó cần phải sửa đổi, bổ sung ngay Bộ luật Hình sự theo hướng dành hẳn một chương quy định các tội danh và mức xử phạt đối với cá nhân gây ra lãng phí.

Tin liên quan
Tin khác