Theo JobStreet.com, giới tính không phải yếu tố ảnh hưởng đến mức lương tại Việt Nam. |
Khảo sát được thực hiện chuyên sâu trên 1.000 người lao động trong quý 4/2016 để tìm hiểu về “Thực trạng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc trong các thành phố lớn tại Việt Nam” để đưa ra góc nhìn từ chính những người lao động.
Theo Trung tâm Luật Phụ Nữ Quốc gia của Mỹ, nữ giới tại đây chỉ kiếm được bằng 79% thu nhập của đàn ông tại quốc gia này được trả. Tại châu Á, mức chênh lệch giữa mức lương được đánh giá là còn rộng hơn. Theo dự báo của Euromonitor, phụ nữ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ kiếm được ít hơn 41,2% so với nam giới vào năm 2030, cao hơn mức trung bình của thế giới vào thời điểm đó là vào khoảng 35,7%.
Tuy nhiên, theo khảo sát của JobStreet.com tại Việt Nam, giới tính không ảnh hưởng đến mức lương của người lao động mà chủ yếu dựa vào 3 yếu tố là cấp bậc công việc, trình độ học vấn và quá trình đào tạo. Theo đó, nếu người lao động có cùng những yếu tố kể trên, mức lương giữa nam giới và nữ giới không có sự khác biệt đáng kể tại Việt Nam. Thế nhưng, cả lao động nam và nữ Việt Nam đều cho rằng mình bị trả lương thấp hơn đồng nghiệp khác giới. Cụ thể, có 61% lao động nữ giới trả lời rằng họ đang bị trả lương thấp hơn đồng nghiệp nam giới (cùng vị trí công việc) và có đến 67% lao động nam cho rằng họ đang được trả lương thấp hơn lao động nữ.
Dù nhận định mức lương không có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ giới, khảo sát chuyên sâu của JobStreet.com Việt Nam cho thấy những vấn đề khác trong thực trạng bất bình đẳng giới tại Việt Nam. Theo đó, cả hai giới đều có nhận thức về việc nam giới đang được đối xử với những đặc quyền hơn nữ giới. Cụ thể, nam giới được cho là có khả năng dễ được ‘cất nhắc’ thăng chức, nhận sự ưu tiên trong quá trình tuyển dụng, có tần suất tăng lương cao hơn cũng như dễ được đánh giá năng lực làm việc tốt hơn. Đáng chú ý, có một số lượng lớn lao động nam đồng ý rằng họ đang nhận những đặc quyền so với đồng nghiệp nữ, đặc biệt là về các yếu tố phát triển sự nghiệp. Mặc dù số lượng lao động nam giới và nữ giới trong công ty không cho thấy sự khác biệt lớn, có đến 63% cho biết sếp trực tiếp của họ hiện tại đang là nam giới. Với câu hỏi “Bạn có từng bị phân biệt đối xử tại công ty chỉ vì giới tính”, 25% lao động nữ cho biết họ đã từng bị phân biệt đối xử so với 17,7% ở nam giới.