Ảnh minh họa (internet) |
Doanh nghiệp outbound “tan tác”
Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel cho biết, Vietravel đang cập nhật thông tin từ các công hàm và thông báo về việc sử dụng hộ chiếu Việt Nam mẫu mới đến các nước châu Âu. Về trường hợp visa Schengen (cho phép người sở hữu nhập cảnh và đi lại tự do giữa 26 quốc gia trong khối Schengen) không được nhập cảnh Đức, Tây Ban Nha và Cộng hòa Czech, Công ty đang tư vấn cho du khách chuẩn bị đi châu Âu để điều chỉnh lịch trình tour không đi qua Đức.
Hiện tại, một số nước vẫn chấp nhận 2 loại passport như Pháp, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Bắc Âu. Riêng các lịch trình bắt buộc bay vào Đức, Vietravel sẽ tư vấn, nhận khách có hộ chiếu mẫu cũ (hộ chiếu màu xanh lá). Như vậy, du khách đã đăng ký tour châu Âu của Vietravel vẫn khởi hành theo lịch trình dự kiến. Tuy nhiên, đối tượng khách giới hạn theo thông tin được cập nhật từ lãnh sự quán, đại sứ quán của 3 nước trên.
Trong khi đó, theo ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel, các doanh nghiệp lữ hành chuyên tour châu Âu như Vietfoot Travel bị ảnh hưởng nặng nề khi Đức thông báo dừng cấp visa với hộ chiếu mới. Khách của Vietfoot Travel là các đoàn khách đi công tác, bị kẹt lại đang bức xúc. Họ đã tới Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) làm việc và được phản hồi là chưa có chỉ đạo gì.
“Ngày 8/8, Vietfoot Travel có đoàn khách 37 người đi Đức - Pháp - Bỉ - Hà Lan, trong đó gần chục người dùng hộ chiếu mới. Chúng tôi không biết phải làm sao trong trường hợp này. Covid-19 đánh một trận sạch không kình ngạc, thì lần ‘lỗi hộ chiếu phổ thông’ này khiến doanh nghiệp outbound tan tác chim muông”, CEO Vietfoot Travel ví von.
Cùng chung tâm tư, ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc Công ty Lữ hành Travelogy cho biết, một đoàn khách 30 người mà có 10 người không được nhập cảnh do dùng hộ chiếu mới thì phải thay đổi hành trình, đường bay... Nếu hủy dịch vụ thì tổn thất rất lớn vì khi nộp hồ sơ cho một đoàn khách du lịch nước ngoài, Công ty phải đặt trước tất cả các dịch vụ và thanh toán ít nhất 50%.
Việc cần làm ngay
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng giám đốc VietSense Travel, Công ty có 5 khách đi tour Đông Âu khởi hành vào tháng 9 tới bị rớt lại do không làm được visa Đức, khiến doanh nghiệp thiệt hại cả trăm triệu đồng. Nhưng hậu quả lớn hơn là việc Đức không cấp visa cho công dân Việt Nam sở hữu hộ chiếu mới đã gây hiệu ứng “đô-mi-nô” khiến Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc cũng từ chối cấp visa cho người Việt Nam có hộ chiếu mới.
“Nếu Hà Lan và Pháp cũng có động thái từ chối cấp visa cho người Việt Nam có hộ chiếu mới thì coi như du lịch outbound đi châu Âu... gãy cánh”, ông Tài nói và cho biết, không chỉ các quốc gia châu Âu, các nước như Singapore cũng không cho nhập cảnh với công dân Việt Nam có hộ chiếu mới. Xin visa Hàn Quốc bằng hộ chiếu mới cũng rất khó khăn, các nước khác cũng có xu hướng theo chính sách đó.
Để cứu nguy cho các doanh nghiệp oubound, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ phải có động thái trong việc làm bị chú và thông báo cho đại sứ quán các nước về số hộ chiếu từ thời gian nào có phần bị chú ở đằng sau. Việc này cần phải làm ngay và làm song song với việc Bộ Ngoại giao thông báo với đại sứ quán các nước có quan hệ ngoại giao với Việt Nam về hộ chiếu đã bị chú nhưng nơi sinh sẽ ở trang sau.
Các cơ quan liên quan cũng cần xem xét lại lý do các nước từ chối cấp visa cho công dân Việt Nam có hộ chiếu mới. Liệu tiêu chuẩn của passport đã đúng chưa? Nếu chưa đúng, thì phải khắc phục ngay. Tiếp theo, phải làm việc với các nước qua con đường ngoại giao, khắc phục những “điểm nghẽn” để các nước tiếp tục tạo điều kiện cho công dân Việt Nam có thể đi lại thuận lợi.
Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết, để tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ở Đức được làm giấy phép cư trú và các thủ tục hành chính khác với các cơ quan của Đức, Đại sứ quán sẵn sàng cấp xác nhận bằng tiếng Đức về nơi sinh để xuất trình kèm theo hộ chiếu của công dân. Những người yêu cầu cần có đơn đề nghị và xuất trình giấy tờ chứng minh về nơi sinh như giấy khai sinh hoặc hộ chiếu trước đây và giấy chứng nhận này được cấp miễn phí.