Du lịch
Nhiều phản biện với Đề án Phát triển sản phẩm du lịch của Sở Du lịch Khánh Hòa
Nhiệt Băng - 10/07/2021 09:43
UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Sở Du lịch tỉnh này tiếp thu những phản biện để hoàn chỉnh Đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa”.

Ngày 9/7, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vừa có văn bản gửi Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa về kết quả phản biện đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa” của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tiếp thu hoàn chỉnh đề án, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt đề cương Đề án "Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa” với kinh phí dự toán khoảng 480 triệu đồng, do Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa thực hiện.

Mục tiêu đề án nhằm đánh giá thực trạng và tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. 

Ngày 22/6 vừa qua, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa có kết quả tư vấn phản biện đề án “Phát triển sản phẩm du lịch Khánh Hòa”. Theo đó, Đề án này đánh giá tương đối đầy đủ, chi tiết các yếu tố nguồn lực phát triển du lịch Khánh Hòa, nhất là ở phần đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên du lịch nhân văn vẫn còn chưa thực sự đầy đủ, trong đó có lịch sử vùng đất, văn hóa bản địa. 

Khách du lịch nội địa đến với Nha Trang, Khánh Hòa trong thời gian qua. Ảnh: P.V

Đề án "Phát triển sản phẩm du lịch" của Sở Du lịch Khánh Hòa chưa làm rõ sự mất cân đối về thực trạng trong lĩnh vực du lịch; về hạ tầng giao thông dẫn đến ùn tắc thường xuyên ở trung tâm, sự mất cân đối về số lượng cơ sở lưu trú với các điểm tham quan mua sắm, khu vui chơi giải trí, dẫn đến sự hạn chế về thời gian lưu trú và mức độ tiêu dùng của du khách.

Khánh Hòa từ lâu nổi lên với thực trạng phát triển du lịch tự phát (mạnh ai nấy làm), dẫn đến chất lượng chưa tốt, dẫn đến phá giá, chặt chém du khách, dẫn đến không chỉ làm thị trường đảo lộn, mà còn hệ lụy, làm giảm chất lượng dịch vụ. Tuy vậy, trong Đề án lần này, Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa chưa phân tích, đánh giá và có giải pháp thực trạng nêu trên.

Bên cạnh đó, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa phản biện rằng, ngành du lịch Khánh Hòa thiếu hẳn quy hoạch tổng thể, các hoạt động văn hóa du lịch chưa đồng bộ nên chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

"Đối với khách đến tham quan du lịch Khánh Hòa cần quan tâm đến nguồn khách từ nước ngoài ở các khu vực Bắc Âu và Tây Âu, Bắc Mỹ, ASEAN, Đông Bắc Á và Tây Á. Nhưng điều quan trọng là thị trường gần 100 triệu dân trong nước lâu nay Khánh Hòa còn xem nhẹ. Đặc biệt, du lịch Covid-19 có khả năng kéo dài đến năm 2025", kết quả phản biện nêu thực trạng và dự báo. 

Theo kết quả phản biện, phương án tạo liên kết với các tỉnh là rất cần thiết, nhưng liên kết trong tỉnh cũng quan trọng không kém. Thời gian qua, việc liên kết trong tỉnh còn xem nhẹ cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến có tình trạng khách nội địa không mặn mà với du lịch Nha Trang - Khánh Hòa. 

Lẩn quẩn với các sản phẩm du lịch cũ

Tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp du lịch đầu năm 2021 vào chiều 10/3 do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, một số doanh nghiệp du lịch, lữ hành phàn nàn so với Đà Lạt thì Nha Trang vẫn lẩn quẩn những sản phẩm cũ như tour 4 đảo, đảo Hoa Lan, Vinpearl Nha Trang... chứ không có sản phẩm mới và chưa phát triển được kinh tế đêm. Trả lời vấn đề này, ông Trần Việt Trung, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thừa nhận, thời gian qua, Khánh Hòa còn tập trung quá nhiều vào du lịch biển, không có sản phẩm du lịch về núi.

Tin liên quan
Tin khác