Đầu tư
Nhiều sai sót vỡ lòng do nhân lực đấu thầu yếu
Ngọc Tuấn - 18/04/2018 09:19
Nhân lực chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ hành nghề đang ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng hoạt động đấu thầu và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thiếu nghệ tinh 

Qua báo cáo thường niên của các tỉnh, thành phố cho thấy, tại không ít địa phương rất nhiều cán bộ, quản lý, nghiệp vụ và tư vấn trong lĩnh vực đấu thầu chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ theo quy định. 

.

Bình Dương là một ví dụ. Tại Hội nghị tổng kết công tác đầu tư công diễn ra gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ ra rằng, “năng lực đấu thầu còn hạn chế của nhiều chủ đầu tư và các ban quản lý dự án; Chất lượng đội ngũ nhân lực đấu thầu còn không đồng đều nhất là các đơn vị được giao làm chủ đầu tư không chuyên về xây dựng lại thuê các đơn vị tư vấn để lựa chọn nhà thầu”. 

Một trong những yếu kém của đội ngũ làm thầu được chính quyền tỉnh Bình Dương chỉ ra là: thiếu kinh nghiệm trong việc lập, thẩm định hồ sơ mời thầu đã khiến cho công tác đánh giá hồ sơ dự thầu còn nhiều sai sót, khiến quá trình lựa chọn nhà thầu bị kéo dài.  

Lỗ hổng nhân lực đấu thầu không chỉ của riêng Bình Dương - địa phương có lượng vốn đầu tư công lớn, mà còn là vấn đề hóc búa đối với Kiên Giang, Long An, Đồng Nai…  Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang cho thấy, tỉnh này chỉ có 263 người có chứng chỉ đấu thầu cơ bản và 197 người có chứng nhận tham gia khóa học vế đấu thầu qua mạng. 

“Vẫn còn tình trạng cán bộ trình độ chuyên môn hạn chế, chuyên gia xét thầu chưa thực hiện nghiêm túc quy định trong quá trình xét thầu”,  báo cáo tình hình thực hiện đấu thầu của tỉnh Kiên Giang nêu.

Còn theo tỉnh Long An, không ít chủ đầu tư, ban quản lý dự án, bên mời thầu thiếu chủ động triển khai công việc, thực hiện chưa đầy đủ trách nhiệm trong thực hiện các bước trong đấu thầu. Nguyên nhân được lý giải là do năng lực cán bộ đấu thầu tuy được bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp chứng chỉ nhưng vẫn hạn chế và chưa đáp ứng về trình độ. Qua công tác thanh tra, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An chỉ ra nhiều sai sót vỡ lòng đến từ “lỗ hổng” hạn chế về chuyên môn của đội ngũ làm thầu như không có thông báo mời thầu, không có biên bản đóng thầu, không có biên bản thương thảo hợp đồng, không quy định thời gian cụ thể thời gian đóng, mở thầu trong hồ sơ mời thầu được duyệt, đánh giá hồ sơ dự thầu không tuân thủ theo quy định của hồ sơ mời thầu… 

Gấp rút “vá lỗ hổng” 

Cần thiết nhắc lại rằng, Điều 116, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định cá nhân tham gia tổ chuyên gia phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Điều 35, Thông tư số 03/2016/TT-BKHĐT ngày 5/5/2016 của Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng quy định cụ thể rằng, “các cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ sơ tuyển, hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự thầu; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu… phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu”.

Nhiều sai sót vỡ lòng đến từ “lỗ hổng” hạn chế về chuyên môn của đội ngũ làm thầu như không có thông báo mời thầu, không có biên bản đóng thầu, không có biên bản thương thảo hợp đồng...

Có thể thấy trong bối cảnh “lỗ hổng” về nhân lực đấu thầu như hiện nay việc thực hiện nghiêm túc các quy định trên đặt ra cho các địa phương thách thức rất lớn. Bởi lẽ, trong điều kiện nhân lực vừa thiếu, vừa yếu song vẫn phải đảm bảo tuân thủ luật mà áp lực giải ngân đầu tư, mua sắm công lớn. Trong lúc chờ “vá lỗ hổng” nhiều địa phương bất đắc dĩ phải sử dụng biện pháp tình thế là kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho gia hạn thời gian áp dụng quy định về chứng chỉ hành nghề đấu thầu đến hết tháng 6/2018. Lý do tỉnh Long An đưa ra là thời gian qua số cuộc sát hạch ít và tỷ lệ học viên đạt yêu cầu thấp nên số lượng người được cấp chứng chỉ hành nghề rất hạn chế.  

Ông Vũ Văn Nga, Chánh Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, qua các cuộc thanh tra đã xử lý nhiều vi phạm liên quan quy định tại Điều 116, Nghị định 63/2014/NĐ-CP. Cũng theo ông Nga thì để khắc phục tình trạng này không có giải pháp nào khác là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên ngành và sát hạch cấp chứng chỉ nhằm gấp rút “vá lỗ hổng” nhân lực làm thầu để tránh những tác động không mong muốn tới hoạt động đấu thầu trong thời gian tới. Ông Nga đặc biệt lưu tâm tới việc cần hướng mạnh đào tạo cho đối tượng là các ban quản lý dự án, tư vấn đấu thầu ở địa phương cấp huyện, thị.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư qua các báo cáo thường niên của các địa phương, hầu hết các tỉnh đều đưa ra vấn đề tập huấn, đào tạo nghiệp vụ đấu thầu là một trong những ưu tiên hàng đầu trong kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Câu chuyện các địa phương như tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Kiên Giang… rầm rầm kiến nghị cho thấy sức nóng của vấn đề nhân lực đấu thầu và nhu cầu khắc phục nhanh chóng các khiếm khuyết ở khâu này.

Về vấn đề này, chuyên gia đấu thầu Phạm Đại Hải cho biết, quy định chứng chỉ hành nghề đang là cản trở trong hoạt động đấu thầu. Việc đào tạo, sát hạch đang chỉ tập trung ở các thành phố, địa phương lớn nên nhân lực đấu thầu “đạt chuẩn” ở các địa phương thiếu hụt. Hoạt động tự đào tạo của các chủ đầu tư lại không mang tính chất chuyên nghiệp. Vị chuyên gia này khuyến nghị các địa phương cần đẩy mạnh đào tạo đấu thầu qua mạng bởi đây là xu thế tất yếu và thời hiệu áp dụng đã cận kề.

Tin liên quan
Tin khác