Doanh nghiệp
Nhiều thương hiệu lớn phủ sóng qua nhượng quyền kinh doanh
Anh Hoa - 07/12/2021 10:07
Nhiều “ông lớn” đang tận dụng thời cơ để phủ sóng thương hiệu nổi tiếng của mình đến thị trường Việt Nam.
Đại dịch đã đưa quá trình chuyển đổi trong cuộc sống văn phòng lên cấp độ tiếp theo.

Cơ hội “vàng” từ đại dịch

Theo dự đoán, năm 2030, 30% thị trường bất động sản thương mại sẽ thuộc về địa hạt của văn phòng chia sẻ (co-working). Mô hình này đã được chứng minh tính hiệu quả về chi phí và chỉ cần hai nhân viên để vận hành.

Làm việc từ xa đã và đang trở thành sự đổi mới tiếp theo trong cuộc sống văn phòng một thập kỷ qua, với không gian làm việc chung đạt mức tăng trưởng trung bình 23%/năm. Nhưng đại dịch đã đưa quá trình chuyển đổi này lên cấp độ tiếp theo.

International Workplace Group (IWG), tập đoàn nhượng quyền co-working, có thể trở thành một phần quan trọng của sự chuyển đổi đó. Tập đoàn này đang rất tự tin vào khả năng phục hồi nhanh trước những thách thức của đại dịch và được định vị để tiếp tục phát triển trong tương lai.

Không chỉ có văn phòng chia sẻ tận dụng cơ hội nhượng quyền mạnh từ đại dịch, đây cũng là thời điểm vàng để lĩnh vực logistics Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng.

IWG đang chuẩn bị mở rộng nhượng quyền thương mại khi hình thức làm việc từ xa phát triển mạnh. IWG nổi bật so với các đối thủ trong thị trường co-working toàn cầu, hiện có hơn 3.300 địa điểm tại 1.100 thị trấn và thành phố tại hơn 120 quốc gia trên thế giới. Điều này mang lại cho các bên nhận quyền tiềm năng của IWG cơ hội tận dụng khả năng nhận diện thương hiệu ấn tượng và mô hình kinh doanh đã được chứng minh.

Theo ông Kurt Ullman, Giám đốc Phát triển Kinh doanh nhượng quyền IWG, bằng việc nhượng quyền văn phòng, nhà đầu tư có thể tận dụng tệp khách hàng gắn bó để bán sản phẩm và dịch vụ. IWG đang chiếm thị phần lớn nhất thế giới, với mạng lưới lớn hơn gấp 6 lần so với đối thủ cạnh tranh gần nhất là Wework. Để đảm bảo sự thành công của bên nhận nhượng quyền, IWG đã điều chỉnh mô hình nhượng quyền và hỗ trợ để tối ưu hóa doanh thu và hợp lý hóa hoạt động.

Đặc biệt, quy mô của IWG cho phép các bên nhận nhượng quyền thu hút nhiều khách hàng hơn là thông qua các tài khoản công ty và doanh nghiệp độc quyền. Chẳng hạn, khi khách thuê muốn chuyển sang chiến lược làm việc kết hợp online và offline, IWG sẽ giúp họ sửa đổi cơ sở vật chất tại văn phòng, họ có thể đóng, giảm quy mô văn phòng và lấy lại không gian tại các địa điểm được nhượng quyền của IWG trên khắp thế giới.

“Ngày càng có nhiều doanh nhân hiểu biết nhận ra cơ hội của IWG để tham gia một thị trường đang phát triển mạnh với một công ty hàng đầu trong ngành. Các nhà nhượng quyền mới có nhiều cơ hội hơn khi chúng tôi mở rộng phạm vi hoạt động của mình ra các thị trường mới nổi”, ông Kurt Ullman cho biết.

Sau hơn 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam với thương hiệu Regus, năm 2019, IWG đã ra mắt thương hiệu co-working thứ hai của mình - SPACES tại Hà Nội. Thời điểm đó, ông Lars Wittig, Phó chủ tịch Bộ phận Kinh doanh của IWG cho ASEAN, Đài Loan và Hàn Quốc khẳng định, tiềm năng phát triển không gian làm việc chung ở Việt Nam lớn nhất ở khu vực châu Á. Chính vì vậy, Việt Nam được xem là địa điểm đầu tư ưu tiên của công ty này.

Không chỉ có văn phòng chia sẻ tận dụng cơ hội nhượng quyền mạnh từ đại dịch, đây cũng là thời điểm vàng để lĩnh vực logistics Việt Nam phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng.

Chuỗi cung cấp toàn cầu, InXpress đã chứng minh được thành công của mô hình nhượng quyền mà Công ty đang nắm giữ. Hãng đã có mặt tại 14 quốc gia với 430 đại lý nhận quyền và doanh thu lên tới 250 triệu USD/năm. Tại Việt Nam, hệ thống InXpress có hơn 30 đại lý nhận quyền, phục vụ hơn 650 khách hàng hàng tháng với hơn 65.000 đơn hàng được gửi đi mỗi năm.

Theo đại diện InXpress, với mức đầu tư chỉ 14.000 USD một lần duy nhất, đảm bảo không phát sinh bất kỳ chi phí nào khác trong quá trình kinh doanh các năm về sau, InXpress sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ toàn diện khi các nhà đại lý gặp khó khăn trong quá trình kinh doanh, giúp đại lý nhanh chóng tạo ra doanh thu và đẩy nhanh quá trình hoàn vốn.

Nhượng quyền F&B chưa bao giờ hết hot

Theo ông Sean T. Ngo, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập VF Franchise Consulting, nhiều nhà nhượng quyền quốc tế đã lưu ý và ấn tượng với cách Việt Nam quản lý các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe do Covid-19 tạo ra và muốn tham gia thị trường này.

Các thương hiệu từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan và Nhật Bản tiếp tục bày tỏ sự quan tâm, bao gồm Little Caesars Pizza, Döner Shack từ Anh, Mango Tree và COCA Hotpot từ Thái Lan... Điều này cho thấy, lĩnh vực thu hút nhiều đối tác nhận nhượng quyền nhất có lẽ vẫn là F&B. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhưng các “ông lớn” trong ngành này vẫn tăng tốc các kế hoạch nhượng quyền đến các thị trường mục tiêu.

Ông Craig Sherwood, Phó chủ tịch phát triển Lottle Caesars khẳng định, đại dịch có tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp nhà hàng, nhưng thị trường pizza vẫn ổn định hơn. Lottle Caesars là thương hiệu pizza nổi tiếng của Mỹ hơn 60 năm qua trong ngành nhượng quyền pizza và đang là chuỗi pizza lớn thứ ba thế giới.

Trong một thế giới mà Covid-19 đang “thống trị”, người tiêu dùng có xu hướng gọi món mang về hơn là ăn tại chỗ, thích đặt hàng “không tiếp xúc” và được tùy chỉnh đơn đặt hàng. Pizza luôn là lựa chọn hàng đầu cho phân khúc này. Giá cả pizza cũng tương đối phải chăng trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, sự quan tâm mới đã tăng vọt vào năm 2020.

Theo ông Craig Sherwood, có 3 lý do khiến Little Caesars là thương hiệu nhượng quyền pizza rất hấp dẫn, gồm hệ thống riêng giúp đặt hàng không cần liên hệ/tiếp xúc; kênh Pizza Portal đột phá giúp giao hàng và nhận hàng hiệu quả; trạm nhận đặt hàng di động tự phục vụ trong ngành QSR (nhà hàng phục vụ nhanh)

Theo đó, các địa điểm nhượng quyền phù hợp với mô hình truyền thống khoảng 130 - 149 m2. Trong khi đó, mô hình phi truyền thống chỉ cần từ 43 m2 đến 130 m2, vị trí thường ở cửa hàng tiện lợi, sân bay, khuôn viên trường đại học và căn cứ quân sự.

Không phải lúc nào nhượng quyền cũng là các khoản đầu tư hàng triệu USD, giống như cửa hàng McDonald’s. Có nhiều thương hiệu lớn trên thế giới yêu cầu vốn đầu tư thấp hơn, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận và có mô hình kinh doanh thành công. Với mức phí hợp lý từ thương hiệu thành công trên thế giới, nhà đầu tư sẽ nhận được mô hình kinh doanh đã được chứng minh và sự hỗ trợ xuyên suốt từ tập đoàn trong quá trình vận hành.

Mặt khác, nhượng quyền trong lĩnh vực F&B hay giáo dục không phải xu hướng ngắn hạn. Chẳng hạn, Bricks 4 Kidz - mô hình giáo dục STEM có mặt tại hơn 40 quốc gia, hay YOLÉ (kem và sữa chua) từ Tây Ban Nha đang được các nhà đầu tư chuộng vì phù hợp xu hướng ăn uống của giới trẻ và linh hoạt với cửa hàng, ki-ốt và xe tải kem, phù hợp cho nhiều mặt bằng khác nhau như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sân bay, trung tâm mua sắm…

Việc chuyển nhượng các thương hiệu nước ngoài vẫn luôn là trào lưu hot. Tuy nhiên, giá cả của những thương hiệu này không phải là rẻ và con đường ký kết nhiều gian nan, bởi nhiều nhà đầu tư vẫn còn lúng túng ở khâu pháp lý, giấy tờ hồ sơ, tài chính, bảo hộ thương hiệu.

Tin liên quan
Tin khác