Thị trường phái sinh đã có lịch sử lâu đời và trong những năm gần đây tiếp tục phát triển mạnh. Về hàng hóa của các thị trường phái sinh niêm yết, chúng tôi đã tiến hành khảo sát các thị trường trong khu vực châu Á. Đây là những loại hàng hóa được các sở giao dịch chứng khoán niêm yết trong khu vực cung cấp cho nhà đầu tư.
Các sở giao dịch trong thống kê này bao gồm: Hongkong Exchange (HKE), Jakarta Futures Exchange (JFX), Surabaya Stock Exchange, Japan Exchange Group (JPX), Tokyo Commodity Exchange (TOCOM), Korea Stock Exchange (KSE), Korea Futures Exchange (KOFEX), Thailand Futures Exchange (TFEX), Bursa Malaysia Derivatives (BMD) và Singapore Exchange (SGX).
Tại Việt Nam, sau thời gian dài chờ đợi, ngày 5/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.
Điều 6 của Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định, chứng khoán phái sinh giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn niêm yết, hợp đồng kỳ hạn dự trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; các chứng khoán phái sinh niêm yết khác, chứng khoán phái sinh giao dịch thỏa thuận khác dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán.
Ngoài sở giao dịch chứng khoán, không tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh.
Như vậy, Nghị định này chỉ chế tài thị trường chứng khoán phái sinh niêm yết, dựa trên tài sản cơ sở là chứng khoán giao dịch trên các sở giao dịch chứng khoán, hiện chỉ bao gồm cổ phiếu, chỉ số cổ phiếu và trái phiếu.
Các loại hàng hóa phái sinh có tài sản cơ sở khác như ngoại tệ và lãi suất hiện nay vẫn đang được giao dịch trên thị trường, nhưng chủ yếu được các ngân hàng thương mại cung cấp và do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý.
Riêng với sản phẩm phái sinh hàng hóa đã xuất hiện từ giai đoạn 2005 - 2006 với sản phẩm hợp đồng tương lai hàng hóa được các ngân hàng thương mại như Techcombank, BIDV, VCB làm môi giới kết nối giữa nhà đầu tư trong nước và các sàn giao dịch hàng hóa nước ngoài.
Việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Tính đến nay, các cơ quan chức năng đã cấp phép cho 3 sàn giao dịch hàng hoá, gồm: Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch hàng hóa INFO (Tập đoàn Đại Dương) và Sở Giao dịch cà phê, hàng hóa Buôn Ma Thuột (BCCE), với hàng hóa giao dịch chủ yếu là cà phê, cao su và thép.
Tuy nhiên, thời gian qua, các sàn giao dịch này hoặc đã dừng hoạt động, hoặc hoạt động với quy mô rất nhỏ. Theo đại diện của Bộ Công thương, nguyên nhân là do chưa có hành lang pháp lý đầy đủ và hợp lý, như chưa có quy định về chế độ thanh toán trong hoạt động mua bán qua sàn giao dịch.
Mới đây, Chicago Mercantile Exchange (CME) - sàn giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới đã đặt vấn đề mua cổ phần của BCCE, khoảng 25%. Theo đó, BCCE sẽ kết nối trực tiếp với CME để chuyển các lệnh đặt dư thừa trên sàn và để tăng thanh khoản. Trước đó, CME đã đầu tư vào sàn chứng khoán phái sinh Bursa Malaysia Derivatives Berhad.
Như vậy, có thể thấy, Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều loại sản phẩm phái sinh, tức là còn rất nhiều tiềm năng phát triển cho thị trường chứng khoán phái sinh niêm yết.