Thời sự
Nhìn lại gần 1.000 ngày thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN
Xuân Lương - 05/01/2015 08:35
() Tính đến nay, Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” đã trải qua gần 1.000 ngày ra quân thực hiện. Ba năm với lịch sử không phải là dài, song với giai đoạn đầu triển khai thực hiện một đề án quan trọng không phải là ngắn, mà hoa trái mang lại còn quá ít về định lượng, chất lượng lại còn nhiều điều cần bàn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
2 điều kiện để bán doanh nghiệp nhà nước
Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ hơn
Tạo đột phá trong thoái vốn DNNN

Theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội, nhiều bước đi trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là đúng hướng, bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng phía trước còn không ít thách thức. Đáng nói là, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp được vận hành bằng tốc độ “rùa” trong đội hình hành tiến rời rạc, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 100/101 đề án sắp xếp, đổi mới thành phần quan trọng này.

Nhiều bước đi trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là đúng hướng, mang lại hiệu quả, nhưng còn nhiều thách thức

Tại kỳ họp cuối năm Quốc hội khóa XIII, khi cơ quan tối cao của đất nước bàn về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã nói đại ý, nếu không đổi mới cán bộ, thì sẽ không đổi mới được nền kinh tế.

Năm mới Ất Mùi 2015 là năm đầy ắp sự kiện trọng đại của Việt Nam, năm giữa của thập niên thứ hai trong thế kỷ XXI hứa hẹn đan xen thách thức, năm thứ 29 của sự nghiệp chấn hưng nước nhà sau cuộc trường chinh cứu nước dài trên 11.000 ngày. 2015 cũng được xác định là năm của doanh nghiệp, năm cải cách thể chế kinh tế.

Có thể coi đây là vận hội của đất nước, là đột phá của đột phá, trọng tâm của trọng tâm. Với doanh nghiệp và doanh nhân, không thể nói có thời cơ nào là tốt hơn, thuận lợi hơn, điều quan trọng là hãy biến cơ hội này thành hiện thực sống động, ắp đầy tính cạnh tranh của sự nghiệp Đổi mới, sự nghiệp làm giàu lần hai.

Nghị quyết của Quốc hội xác định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%. Đây là mức tăng trưởng hoàn toàn trong tiềm năng, nhất là sau khi năm 2014, tăng trưởng GDP đạt 5,98%. Nhưng khi  nợ công còn là ám ảnh, nợ xấu còn chậm được xử lý và kinh tế toàn cầu còn bất ổn, giá dầu tiếp tục lao dốc, thì phải nỗ lực, nỗ lực thật nhiều, nền kinh tế mới có thể về đích đúng kế hoạch.

Lại còn chuyện quốc nạn tham nhũng. Đó là nỗi nhức nhối mà Đảng ta, dân ta đã bỏ ra nhiều sức lực, tiền của, kể cả máu nữa để mong dẹp nạn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng nhận định, tình hình tham nhũng thế này thì kinh tế thiệt hại, lòng dân mất đi. Đây là chuyện không ổn.

Chiến đấu là ra trận, nghĩa là phải xốc lại đội ngũ, rà soát lại cơ chế, chính sách. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Cần đề phòng người chống tham nhũng bị tấn công ngược. Hãy kịp thời khen thưởng xứng đáng người có công tố cáo tội tham nhũng…

Trong cuộc đời, phúc và họa khó lường. Nền kinh tế của ta đang dần phục hồi, nhưng rủi ro còn tiềm ẩn. Vì vậy, cần chuyển động trong tâm thế chuyển động của chuyển động. Phải chăng, đó là nghệ thuật, là cách đổi mới trong vận hội mới.

Tin liên quan
Tin khác