Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021. Ảnh: Đoàn Bắc |
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong 2 ngày 12 - 13/5 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc từ ngày 11 đến 17/5/2022.
Chuyến công tác của Thủ tướng và Đoàn đại biểu Việt Nam một lần nữa khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Với Vietnam Airlines - một trong hàng trăm doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ, chuỗi sự kiện nói trên còn là cú hích và sự động viên rất lớn cho đường bay thẳng thương mại thường lệ TP.HCM (Việt Nam) - San Francisco (Hoa Kỳ) sắp tròn 6 tháng tuổi.
Điều này càng có ý nghĩa khi đây là đường bay thẳng thương mại thường lệ đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ do một hãng hàng không Việt Nam thực hiện.
Trên thực tế, vượt qua những khó khăn rất lớn về kinh tế, kỹ thuật trong hành trình kéo dài 20 năm chuẩn bị mở đường bay thẳng tới Hoa Kỳ, đến thời điểm hiện tại, Vietnam Airlines đã bắt đầu ghi nhận những kết quả tích cực đầu tiên.
Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng số khách bay thường lệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ từ ngày khai trương (28/11/2021) đến cuối tháng 4/2022 là hơn 16.000 lượt khách. Trong đó, khách tập trung chủ yếu trên các chuyến bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam, với tỷ trọng lấp đầy các chuyến này là hơn 83% đã cho thấy, Hãng Hàng không quốc gia đã bước đầu được thị trường Hoa Kỳ đón nhận.
Những con số thống kê nói trên là khá ấn tượng với một đường bay non trẻ được triển khai tại thị trường khắt khe, có tính cạnh tranh cao nhất trong ngành hàng không thế giới. Thành công bước đầu của Vietnam Airlines trên đường bay thẳng thường lệ đặc biệt này không chỉ giúp Hãng có thêm khoản doanh thu quý giá, mà còn giúp xây chắc thêm một nhịp cầu kết nối giao thương giữa cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ.
Trên thực tế, đường bay thẳng thương mại thường lệ TP.HCM - San Francisco là đường bay được người dân và cộng đồng doanh nhân, nhà đầu tư Việt Nam, Hoa Kỳ mong đợi, đặt nhiều kỳ vọng. Đây là đường bay thẳng duy nhất đang được khai thác, rút ngắn thời gian bay tối đa xuống chỉ còn hơn 13 tiếng chiều đi, 16 tiếng chiều về so với thời gian bay nối chuyến trên 20 tiếng với chi phí rất cạnh tranh lại được kết nối 2 trung tâm kinh tế lớn bậc nhất hai quốc gia sẽ giúp hoạt động giao thương giữa hai nước thuận lợi hơn.
Ở chiều ngược lại, Vietnam Airlines cũng đang được hưởng lợi lớn từ mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ với những bước tiến dài sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Số liệu thống kê cho thấy, Hoa Kỳ đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương tăng nhanh và ổn định. Riêng năm 2021, con số này đạt hơn 111 tỷ USD, tăng gần 21 tỷ USD so với 2020. Hoa Kỳ cũng là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 1.135 dự án có tổng vốn đăng ký hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 11/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam.
Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, song các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam, trong đó Intel thông báo bổ sung đầu tư gần 500 triệu USD vào nhà máy tại TP.HCM, đối tác sản xuất chính của Apple (Foxconn) bổ sung đầu tư 270 triệu USD tại Bắc Giang...
Phía Hoa Kỳ cũng thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm như phát triển hạ tầng, chuỗi cung ứng, năng lượng, kinh tế số. Trong số này, có hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất xe điện và pin trị giá 4 tỷ USD của Tập đoàn VinFast của Việt Nam ký tại bang North Carolina (Mỹ).
Thông qua chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, các hoạt động kết nối giao thương, đầu tư giữa hai nước chắc chắn sẽ tiếp tục được mở rộng, đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có Vietnam Airlines. Từ nền tảng hợp tác trên, Vietnam Airlines sẽ sớm có cơ hội nâng dần tần suất khai thác đường bay TP.HCM - San Francisco từ 2 chuyến/tuần lên 4 chuyến/tuần đến hết năm 2022, trước khi nâng lên thành chuyến bay hằng ngày vào năm 2023, trở thành một trong những biểu tượng mới trong quan hệ hợp tác, đầu tư giữa hai quốc gia.